Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khẳng định như thế tại phiên thảo luận về việc thực hành chăn nuôi tốt cho Việt Nam trong khuôn khổ triển lãm Vietstock 2018 ở TP.HCM.
Năng lực chăn nuôi, chế biến trong nước có nhiều bước phát triển những cũng tồn tại nhiều hạn chế. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo báo cáo của Cục chăn nuôi, từ năm 2011, quy trình thực hành tốt cho chăn nuôi lợn an toàn trong nông hộ thuộc dự án Lifsap gồm có 12 tỉnh tham gia. Đến nay, cả nước có gần 18.000 hộ/cơ sở thuộc 700 nhóm hộ tham gia Lifsap được cấp chứng nhận VietGahp.
Khi áp dụng Gahp, tính chuyên nghiệp trong sản xuất ngày càng tăng cao; tính cạnh tranh của sản phẩm tốt hơn do đảm bảo các tiêu chí VSATTP. Tuy nhiên, sản phẩm VietGahp lại khó bán được giá cao hơn so sản phẩm thông thường nên chưa khuyến khích được người chăn nuôi tham gia.
Thêm nữa, khi thực hiện các điều kiện của quy trình chăn nuôi tốt, chủ đầu tư ở các địa phương gặp không ít khó khăn như quy hoạch chăn nuôi cấp tỉnh...
Đồng tình, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y Đồng Nai cho biết chưa có sự rạch ròi giữa sản phẩm sạch và chưa sạch, làm giảm lòng tin người tiêu dùng từ đó sản phẩm VietGahp chưa có sức hút.
Việc liên kết chuỗi – nội dung cốt lõi để phát triển Gahp và truy xuất nguồn gốc vẫn còn yếu, chưa đồng bộ. “Các quy định quản lý chăn nuôi vẫn còn nhiều bất cập như quy hoạch chăn nuôi, xử lý chất thải, chuyển mục đích sử dụng đất... làm nhiều trang trại không đủ điều kiện để áp dụng VietGahp”, ông Giang nói.
Việc thực hiện quy trình chăn nuôi tốt ở Việt Nam còn nhiều trầy trật. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Dương đánh giá, sau 20 năm hội nhập, ngành chăn nuôi đã được được không ít những kết quả đáng khích lệ. Quy mô chăn nuôi tăng dần, đàn lợn VN đứng thứ 5 thế giới; thủy cầm thứ 2 thế giới; sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đứng đầu ASEAN và thứ 10 thế giới.
Tuy nhiên, việc xuất thịt gà sang Nhật cũng chỉ mới có vài đơn vị; xuất thịt lợn sang Myanmar cũng chỉ mới có vài container... Ngành chăn nuôi trong nước vẫn còn tồn tại không ít hạn chế.
Giá lợn hơn đang tăng cao, gấp đôi giá thế giới. Trong khi đó, tổng đàn nái đang rất lớn, nguy cơ dịch bệnh bên ngoài biên giới quốc gia đang đe dọa. Nếu không thiết lập lại trật tự ổn định, ngành chăn nuôi khó phát triển bền vững dài hạn.
Cụ thể hơn nữa, ông Dương lấy ví dụ về chất cấm trong chăn nuôi. Năm 2012, chất cấm Salbutamol xuất hiện bùng phát năm 2012, tạm lắng một thời gian, đến năm 2015, 2016 lại xuất hiện. Từ năm 2017 đến nay, căn bản không còn ghi nhận chất cấm này trong chăn nuôi nhưng vẫn không thể lấy gì làm đảm bảo đã loại bỏ hoàn toàn.
Ông Nguyễn Xuân Dương- Q. Cục trưởng Cục Chăn nuôi.
Vấn đề căn bản là làm sao chăn nuôi sạch, không chất cấm mà năng suất vẫn cao, chất lượng vẫn đảm bảo thì cần quy trình thực hành tốt. Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình nhưng hiệu quả còn thấp vì thói quen chăn nuôi chưa thay đổi nhiều, nhận thức của người dùng về Gahp chưa cao.
Cục Chăn nuôi tin rằng, trong tương lai không xa, các tiêu chuẩn Gahp là điều kiện thiết yếu mà nông hộ, trang trại chăn nuôi phải đáp ứng để thỏa mãn các yêu cầu về thương mại và chất lượng VSATTP.
“Không có quy trình tốt thì không thể có sản phẩm tốt được. Dù không phải văn bản pháp luật nhưng quy trình Gahp sẽ là điều kiện đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững”, ông Dương khẳng định.
Báo cáo từ các địa phương đều ghi nhận tình trạng chung vẫn còn không ít khó khăn khi thực hiện Gahp. Về phía Bộ NNPTNT, đại diện Cục chăn nuôi cho biết sẽ tiến hành rà soát lại để định hình quy trình Gahp Việt Nam đang ở đâu, những thuận lợi và hạn chế để đề ra những hướng đi thích hợp. |