Dân Việt

Gái đảm miền biên viễn ươm cây giống xuất bán khắp các nơi

Mộc Trà 04/11/2018 13:05 GMT+7
Từ nhiều năm nay, vườn ươm cung cấp giống cây trồng lâm nghiệp của chị Nguyễn Thị Thủy (Lạng Sơn) trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều nông dân, khách hàng là chủ vườn cây, người buôn cây giống. Không những thế, chị còn được nhiều người biết đến bởi nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu.

Đến tham quan mô hình ươm cây giống của chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Tân Hoa, xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô vườn ươm của gia đình chị. Với diện tích 2-3 mẫu vườn trước kia, chị đã bàn với chồng, chuyển đổi toàn bộ thành khu ươm cây giống và vườn cây chủ (cây giống hoặc cây hom).

Theo chị Thủy, trước khi chị về làm dâu ở đây, gia đình chồng chị đã làm nghề ươm cây giống từ lâu, nhưng quy mô nhỏ hẹp. “Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên tôi cũng phải theo học từ mẹ chồng và mọi người trong nhà. Sau này vợ chồng tôi tách làm riêng, rồi từ đó chúng tôi cùng học làm, mở rộng vườn cây”, chị Thủy nói.

img

Vườn cây keo giống của gia đình chị Thủy xuất bán hơn 100 vạn cây/ năm phát triển xanh tốt.

Ở đây, nghề sản xuất giống cây trồng đã có từ lâu, nhưng thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp, hiệu quả kinh tế không cao. Vài năm trở lại đây, nghề này phát triển rầm rộ vì đầu ra và thị trường mở rộng ra nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Thậm chí, thị trường mở rộng tận vào các tỉnh Nghệ An - Bình Định, nên nhiều gia đình trong làng đều mở rộng làm vườn ươm keo giống.

Theo chị Thủy, hiện có thể mua hạt giống keo nhập khẩu từ Úc, giống keo nội hoặc trồng cây nuôi lấy mô (keo cành) để làm vườn ươm keo giống. Tuy nhiên, căn cứ theo nhu cầu thực tế hiện nay, giống hạt keo nội vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Thực tế, người trồng keo vẫn ưa chuộng giống keo nội bởi đặc tính có thể sinh trưởng trên đất khó, dốc, chống chịu tốt với mưa bão. Quan trọng nhất, chủ các vườn ươm chọn được giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cây trồng trong vườn giống lấy hom phải là các dòng keo lai cấy mô hay đời F1 do các đơn vị đảm bảo cung cấp vì đã được chọn lọc, khảo nghiệm khẳng định tính ưu trội hơn bố mẹ và các dòng khác.

img

Hom sau khi cấy vào bầu sẽ được che kín bằng bạt để đảm bảo độ ẩm và sự phá hoại của sâu bệnh.

Với phương châm “vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm”, ban đầu vợ chồng chị Thủy cũng chỉ sản xuất với số lượng ít và tập trung vào chất lượng giống cây. Nhưng do còn thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật chọn đất, làm đất, ươm giống, che chắn vườn và cách phòng, điều trị bệnh nên tỷ lệ cây sống đạt tỷ lệ thấp. “Những ngày đầu chưa nắm vững kỹ thuật nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhờ cố gắng học hỏi, chúng tôi biết lượng nước tưới như thế nào cho đủ, cắt hom phải lựa phần đọt non, đủ số lượng mắt lá…

Để có một cây keo chất lượng bán ra thị trường, đòi hỏi phải cẩn thận từng khâu, từ làm đất, cho đất vào bì, làm luống, cắt cành giâm, tiến hành giâm hom. Trong đó, quan trọng nhất là khâu cắt hom, giâm hom và khâu chăm sóc cây con mới giâm. Làm nhiều năm kinh nghiệm tích lũy càng nhiều rồi cũng vượt qua khó khăn”, chị Thủy chia sẻ.

img

Cây keo giống xuất bán chủ yếu vào các tỉnh miền Trung, miền Nam đem lại cho gia đình chị hàng trăm triệu/năm.

Theo kinh nghiệm nhiều năm sản xuất keo giống, chị Thủy cho biết: Việc cắt cành (cắt hom) phải tiến hành vào buổi sáng. Cành đã cắt phải được bảo quản nơi râm mát hoặc ngâm gốc cành vào nước. Khi cắt cành, phải để lại ở phần gốc ít nhất 2 đôi lá hoặc 2 chồi ngủ. Chiều dài hom 4 - 7cm, mỗi hom có 1-2 lá và phải cắt bớt 2/3 diện tích phiến lá. Tùy mức độ phát triển của cành mà quyết định thời gian cắt đợt tiếp theo. Hom đã cắt được chấm vào hỗn hợp có chứa chất kích thích ra rễ và cấy sâu khoảng 2 - 3 cm vào chính giữa bầu cây chứa đất đỏ đã được đóng sẵn xếp thành từng luống.

img

Công nhân đang làm việc tại vườn ươm keo giống của gia đình chị Thủy.

Hiện nay, mỗi năm vườn ươm nhà chị Thủy cung cấp ra thị trường hơn 100 vạn cây keo giống, chủ yếu đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Với giá trung bình 300- 350 đồng/cây, gia đình chị Thủy thu về khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm. Sau khi trừ các chi phí, gia đình chị Thủy lãi ròng hơn 200 triệu/năm. Ngoài ra vườn ươm của  gia đình chị Thủy còn tạo công ăn việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong vùng.