Anh Khoa đang khoe những con cái trê lai từ ao nuôi cá mỗi năm đem lại nguồn lãi 300 triệu đồng.
Anh Khoa cho biết, từ mảnh ruộng của gia đình kém hiệu quả, anh tìm cách dồn đổi ruộng đất cho các hộ khác cho liền khoảnh để đào ao nuôi cá. Ban đầu mới bắt tay làm mô hình, anh toàn gặp thất bại. Không nản anh tiếp tục đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng. Năm 2012, anh bắt đầu cải tạo lại hồ nuôi cá, lần này cá bắt đầu cho năng suất cao hiệu quả.
Theo anh Khoa, nuôi các loại cá này rất dễ, tuy nhiên nếu không biết cách thả cá theo kích cỡ thì khó tránh được tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” vì loại cá leo rất háo ăn. Lúc đói con lớn có thể rượt đuổi con nhỏ…
“Những năm mới bắt tay vào làm, thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi nên tôi gặp không ít khó khăn, ban đầu tôi nuôi cá kiểu kết hợp, vừa trồng sen vừa nuôi cá. Tuy nhiên không hiệu quả. Năm 2009 lại xảy ra lụt lớn khiến cá thất thoát hết, tôi trắng tay sau vụ đó. Hai năm sau, tôi chỉ trồng sen nhưng vẫn không đem lại hiệu quả kinh tế. Nghĩ không thể bỏ hoang đất, tôi quyết định cải tạo lại hồ nuôi cá ”, anh Khoa kể.
Với diện tích 1,5 hecta, anh đào 5 hồ nuôi, chia đều diện tích 2.500 mét vuông/hồ. Bốn hồ anh thả nuôi cá chim trắng, cá trê lai, rồi thả thêm ít cá mè, chép, rô phi, leo và một hồ anh dành ươm cá giống.
Mỗi năm anh Khoa bỏ nuôi gối đầu nhiều đợt, cho thu nhập quanh năm. Mỗi tháng doanh thu từ bán cá của gia đình anh gần 40 triệu đồng
Anh Khoa phấn khởi cho biết, nuôi các loại cá này rất hiệu quả. Bình quân mỗi năm anh thả nuôi gối đầu nhiều đợt, giá bán dao động từ 35.000–50.000đ/kg, tùy theo mùa vụ, từng loại cá. Anh xuất bán hằng ngày, mỗi tháng thu về khoảng 40 triệu đồng. Tính ra, mỗi năm, trừ hết các chi phí, lãi hơn 300 triệu đồng.
“ Việc nuôi kết hợp sẽ giảm kinh phí nguồn thức ăn cho cá. Cá trê lai, chim trắng là loài ăn tạp, nên sẽ thải thức ăn để cá mè và cá rô phi tiếp tục ăn lại, vì cá mè, rô phi là loài cá ăn dưới đáy. Nuôi các loại cá này rất dễ, tuy nhiên nếu không biết cách thả cá theo kích cỡ thì khó tránh được tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” vì loại cá leo rất háo ăn. Lúc đói con lớn có thể rượt đuổi con nhỏ…”, anh Khoa chia sẻ kinh nghiệm nuôi.
Ngoài nuôi cá, anh Khoa còn tạo cảnh quan hàng dừa, ghế đá quanh ao nuôi để làm dịch vụ du lịch sinh thái cho người dân muốn câu cá thư giản.
Anh Khoa chia sẻ thêm, ngoài ra, ao nuôi cũng phải vệ sinh, thay nước thường xuyên, cho nước vào buổi sáng để tạo ô xy cho cá và xả nước ra vào buổi chiều. Nguồn thức ăn cho cá là các tạp phẩm được nấu chín rồi mới thả cho cá ăn vừa tránh ô nhiễm hồ và cá ăn nhanh hơn.
Được biết, ngoài xây dựng các hồ nuôi cá, anh Khoa còn tạo cảnh quan như trồng dừa, ghế đá quanh hồ cá để làm dịch vụ du lịch sinh thái cho người dân đến câu cá thư giãn.