“Hòa Bình” ở đây không chỉ để ngụ ý về loài chim bồ câu mà còn theo đúng nghĩa đen là những cánh chim ngày ngày bay liệng trên đường Hòa Bình, trung tâm của quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Người nâng niu và nuôi dưỡng những cánh chim trời ấy là chú Nguyễn Văn Chương...
Chú Chương bên đàn chim. Ảnh: DUY KHÔI
Gần 6 giờ sáng, từ nhà trọ gần chợ Cả Đài, chú Chương lội bộ ra góc đường Hòa Bình - Ngô Hữu Hạnh, đẩy xe kiểng bán dạo gửi trong sân một cơ quan ra để bắt đầu cuộc mưu sinh. Nhưng việc đầu tiên chú làm là đậu xe kiểng cẩn thận rồi lấy bọc lúa, gạo đến góc đường giáp Bưu điện thành phố, rải thành hai nhóm riêng biệt; bánh bò thì ngắt nhỏ từng miếng rải đều trên mặt vỉa hè.
Chỉ bằng động tác huýt gió của chú Chương, hàng trăm chú chim se sẻ và chừng hơn 50 chú chim bồ câu sà xuống, vô tư thưởng thức bữa sáng trong sự trìu mến của chú. Nhiều chú bồ câu tinh nghịch còn đáp ngay trên cánh tay chú Chương mà rỉa những mảnh bánh bò còn sót lại.
Khách đi đường, nhất là du khách tham quan Cần Thơ, thích thú trước hình ảnh thật đẹp và đầy chất thơ này. Sau khi ăn xong, đàn chim tung cánh bay cao, rợp một góc trời Hòa Bình. Bữa trưa cũng như vậy, đàn chim cũng được chú cho ăn bắt đầu từ 13 giờ.
Chú Nguyễn Hoàng Thành, người dân phường An Cư, nói: “Phải người có tâm lắm mới làm được chuyện ý nghĩa này. Đàn chim nó cũng mến tay mến chân anh Chương lắm”. Còn chị Dương Nguyễn, du khách đến từ Đà Nẵng, thì ấn tượng: “Đàn chim này cho tôi cảm giác thành phố thật yên bình và thân thiện”.
Chú Chương kể, 6 năm trước chú bán bánh bò chứ không phải bán kiểng. Lúc rảnh chú lại ngắt nhỏ bánh bò rải cho một vài chú chim se sẻ ăn. Vậy rồi “đất lành chim đậu”, bầy chim se sẻ đến ăn ngày càng nhiều, bầy chim bồ câu cũng được dẫn lối về theo.
Vậy là mỗi buổi sáng, ngoài bánh bò, chú còn bổ sung thêm lúa, gạo để “vừa miệng” từng loài một. Bây giờ, mỗi tháng chú Chương phải tốn trung bình 650 ngàn đồng để cho đàn chim ăn: 150 ngàn đồng bánh bò và 500 ngàn đồng gạo và lúa tròn. Số tiền ấy với người đàn ông bán từng chậu kiểng nhỏ, phải ở nhà trọ quả thật rất lớn. Vậy nhưng chú Chương chẳng đắn đo khi nói rằng: “Thật sự ra, ngoài tiền ăn uống, nhà trọ, thì 650 ngàn đồng chính là số tiền tôi còn dư, tôi dành trọn cho đàn chim. Tôi tin mình làm chuyện phước thì sẽ được phước”.
6 năm nuôi đàn chim trời, chú Chương hiểu loài nào thích ăn gạo, loài nào chịu lúa, loài nào mê bánh bò bông. Rồi chú kể trong đàn chim này, có con bị thương cụt mất một ngón chân, con khác bị xệ cánh, con nọ bị gãy mỏ… thuộc làu như “thú cưng” nuôi trong nhà. Rồi chú kể rằng: Có con bồ câu về ăn mấy năm nay bị dính bẫy hay sao mà què giò, cụt mỏ, nhưng mổ ăn rất giỏi và “thương” chú. “Mấy bữa nay đâu mất, không về ăn, chắc nó chết rồi quá hà”- chú buồn hiu.
Chỉ cần một hai người lạ đi ngang là bầy chim đang ăn tung cánh bay tuốt lên trời, nhưng chú Chương thì nâng niu từng con một một cách dễ dàng và đầy trìu mến. Mới hay, tự lúc nào loài chim trời cũng biết nghĩa, biết tình, biết nhận chú. Nhưng chú Chương không bao giờ nghĩ mình sở hữu đàn chim mà chú gọi là “tạo hóa ban tặng” đó.
Nuôi đàn chim, chú Chương có thêm niềm vui trong cảnh cô độc. Ám ảnh chú nhất là những lần đàn chim bị bắn, dù ngay trong nội ô thành phố. Những người đàn ông từ bên công viên Tao Đàn ngắm bắn bồ câu. Có lần chú không hay, đàn chim bị bắn hết mấy con, có con bị thương té xuống đường, xe cán dẹp. Hay tin chú ra lượm xác chim mà nước mắt ròng ròng. Bởi vậy, khi biết chúng tôi viết bài báo này, chú Chương nói rằng, chú làm vì niềm vui thôi, nhà báo có viết bài nhớ nhắn bà con là đàn chim rộn ràng lắm, làm đẹp thành phố mình, đừng bắn nó, tội nghiệp!
Những cánh chim Hòa Bình đang ngày ngày làm đẹp thêm thành phố đô thị miền sông nước.