Dân Việt

Hạt gạo đã mang trên mình nhiều gánh nặng

Khánh Nguyên (thực hiện) 20/10/2018 10:01 GMT+7
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, trong suốt quá trình gia nhập thị trường xuất nhập khẩu mấy chục năm qua, hạt gạo đã mang trên mình nhiều gánh nặng. Đã đến lúc phải để nó tự do.

img

Ông nhận định như thế nào về xu hướng tự do hóa thương mại hạt gạo ở nhiều thị trường?

- Tôi nhận thấy, với riêng hạt gạo khi tham gia thị trường đã mang trên mình nhiều gánh nặng, có khi là nhiệm vụ chính trị, có khi là vai trò đảm bảo an ninh lương thực. Chính vì mang trên mình nhiều vai trò như vậy nên nhiều khi tính thị trường của hạt gạo chưa được thể hiện rõ. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 107, cộng với sự mở cửa nhập khẩu của nhiều thị trường cho thấy, đã đến lúc các doanh nghiệp (DN) phải làm ra hạt gạo một cách bài bản hơn.

img

 Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên chú ý sản phẩm gạo đặc sản. Trong ảnh: Sản xuất lúa Một bụi đỏ ở Hồng Dân (Bạc Liêu). Ảnh: T.L

Chúng ta cũng không cần phải đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn cho hạt gạo, chỉ cần xác định những sản phẩm mà từng thị trường cần, nơi này là gạo nếp, chỗ kia là gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo dinh dưỡng để sản xuất phù hợp. Tiêu chuẩn của hạt gạo là do mỗi hợp đồng quy định. Vì vậy, hãy để thị trường lên tiếng và tự điều chỉnh.

 Nghị định 107 tác động như thế nào đối với hoạt động của DN, thưa ông?

- Nghị định 107 sẽ giúp các DN năng động hơn trong việc tìm kiếm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, thay vì chờ đợi sự phân bổ của các hợp đồng tập trung như trước đây.

Với Nghị định 107, các DN sản xuất kinh doanh gạo đặc sản, gạo chất lượng cao sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, những DN nhỏ có thể tham gia một cách chủ động thay vì phải xuất khẩu ủy thác như trước đây. Nhiều DN tham gia vào thị trường xuất khẩu cũng sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tự đổi mới của DN. Nhưng tôi cho rằng, Nghị định 107 mới chỉ dừng lại ở mức “nới lỏng” vì vẫn tồn tại những điều kiện, mà còn điều kiện thì có thể sinh ra giấy phép con. Theo tôi, các cá nhân nếu đảm bảo đủ tiêu chuẩn của đối tác, có thị trường xuất khẩu là được phép tham gia. Như vậy mới là sự “cởi trói” thực sự.

Trong nghị định mới vai trò của người trồng lúa được thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Tôi thấy trong Nghị định 107, chúng ta chưa giải quyết triệt để những điểm nghẽn của ngành sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, vai trò của người trồng lúa chưa được thể hiện.Thực tế, trong chuỗi giá trị hạt gạo vẫn đang tồn tại quá nhiều khâu trung gian, ngay ở ruộng thì có “cò” bán lúa, trên đường thì xuất hiện “cò” vận chuyển, rồi “cò” xuất khẩu. Giá trị hạt gạo đã bị rơi vãi qua nhiều khâu như thế nên người dân không được hưởng thành quả. Tự do hóa thương mại là làm sao cắt bỏ được những khâu trung gian không cần thiết.

Đâu là cơ hội cho các DN vừa và nhỏ, thưa ông?

- Quy định thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện về kho bãi, xay xát chính là cơ hội cho các DN nhỏ và vừa. Hãy tìm những thị trường ngách, chú trọng những loại gạo đặc sản, gạo dinh dưỡng, vốn là một thế mạnh của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!