Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Trọng Khuê - Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội cho biết, thực hiện Chương trình số 03/CTr-HND ngày 16.1.2014 của Hội ND TP.Hà Nội về “Nâng cao vai trò của Hội ND tham gia phát triển mô hình kinh tế tập thể, tích cực xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014 - 2018”, tính đến hết năm 2017, các cấp Hội đã xây dựng được 538 mô hình kinh tế tập thể với 14.671 hộ tham gia.
Có thể kể đến các mô hình điển hình như: Chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ và đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn; mô hình trồng chuối ở xã Kim Sơn (Gia Lâm); mô hình trồng lúa chất lượng cao ở Thanh Văn (huyện Thanh Oai), mô hình hợp tác sản xuất miến dong ở Tân Hòa (huyện Quốc Oai); mô hình HTX rau an toàn ở xã Tiên Yên (huyện Hoài Đức), xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ; mô hình tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn); mô hình trồng bưởi theo quy trình VietGAP, HTX nuôi trồng thuỷ sản ở các xã Phương Tú, xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa)...
Các đại biểu và bà con nông dân tìm hiểu về những loại nông sản an toàn được trưng bày, giới thiệu tại diễn đàn. Ảnh: N.Q
“Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể đã góp phần đổi mới phương thức thu hút, tập hợp hội viên ND vào tổ chức hội qua việc đăng ký là thành viên sử dụng nhãn hiệu; nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm qua việc cam kết sản xuất theo quy chế sử dụng nhãn hiệu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ND. Qua đó, trên địa bàn đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản xuất, đẩy mạnh hoạt động liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn” – ông Khuê đánh giá.
Đầu năm nay, các đơn vị đã tiếp tục đăng ký triển khai 285 mô hình, trong đó trồng trọt 153 mô hình, chăn nuôi 67, kinh doanh dịch vụ 65 mô hình.
Cần giải pháp hiệu quả hơn
Tại diễn đàn kết nối sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn 2018, các đại biểu bày tỏ mong muốn được thành phố hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc kết nối sản xuất, phân phối, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản an toàn tới người tiêu dùng.
Các đại biểu tham dự tại Diễn đàn. Ảnh: N.Q
Ông Bùi Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hội ND xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ cho biết, xã đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn từ năm 2011. Hiện nay, tổng diện tích rau sản xuất theo quy trình VietGAP của xã đã đạt trên 20ha với khoảng 20 loại rau.
Trong đó có trên 5.000m2 rau trồng trong nhà lưới, nhà kính hiện đại. Tuy nhiên, do vốn đầu tư cho sản xuất rau an toàn lớn, một số hộ thiếu vốn nên sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, việc áp dụng công nghệ cao còn gặp rất nhiều khó khăn.
Hơn nữa, rau an toàn hiện nay chủ yếu đưa vào các chợ đầu mối, người tiêu dùng không phải ai cũng phân biệt được rau VietGAP với rau trồng truyền thống chưa đạt chất lượng, từ đó mất lòng tin nên không lựa chọn. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vốn, thị trường tiêu thụ bấp bênh, chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến... cũng là những khó khăn chung của hầu hết các địa phương.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho rằng cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng cho chuỗi liên kết nông sản, xây dựng được thương hiệu và củng cố niềm tin khách hàng. Một trong những giải pháp là nhận diện nông sản sạch, an toàn bằng mã truy xuất điện tử QR code, xây dựng website giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
“Về đầu ra, cần hướng đến những nơi tiêu thụ mạnh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch, an toàn như các nhà hàng, trung tâm thương mại, bếp ăn tập thể... Tương tự như việc đưa quả vải thiều lên những chuyến bay của Vietnam Airlines, chúng ta có thể kết hợp với du lịch để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ nông sản sạch khá hiệu quả” – ông Tường nhấn mạnh.
"Chất lượng và năng suất tạo nên giá trị của thương hiệu, ngược lại thương hiệu cũng góp phần nâng cao giá trị nông sản. Hai yếu tố này có tác động hỗ trợ lẫn nhau. Không có chất lượng và thương hiệu thì giá trị nông sản sẽ không nâng cao được”. Ông Tạ Văn Tường |