Ông Châu cho biết, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế cho Nghị định 178/2013/NĐ-CP), đã có mức quy định cao hơn nhiều lần so với Nghị định 178 cũ. Đặc biệt, hình thức xử phạt cảnh cáo đã được xóa bỏ. Bất cứ vi phạm về an toàn thực phẩm nào cũng sẽ bị phạt tiền.
Theo ông Châu, Nghị định 115 bao gồm 4 chương, 39 điều, với những quy định hết sức cụ thể, dễ nhận biết, đo đếm, có thể giúp các cán bộ thanh tra có chuẩn mực để làm biên bản xử phạt ngay cơ sở vi phạm khi đi kiểm tra.
Điều 16 Nghị định 115 quy định hành vi thức ăn đường phố không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn sẽ bị xử phạt từ 500.000-1 triệu đồng. Tuy nhiên, vi phạm này rất phổ biến. Ảnh D.L
Cụ thể như Điều 16 quy định xử phạt trong kinh doanh thức ăn đường phố với các quy định rất cụ thể. Theo đó, các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Mức xử phạt từ 1-3 triệu đồng với các hành vi: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật; Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố; Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn; Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống… Kèm theo biện pháp khắc phục là buộc tiêu hủy thực phẩm vi phạm.
Ông Châu cũng khẳng định, mức xử phạt quy định ở Nghị định 115 cao hơn nhiều so với hành vi tương tương trong Nghị định 178 cũ. Theo đó, có hành vi tăng mức xử phạt gấp 2-3 lần nhưng có hành vi tăng đến 10 lần (cụ thể như bơm tạp chất vào tôm với mức xử phạt tăng từ 300.000 đồng lên đến 3 triệu đồng). Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Nghị định 115 có 7 hành vi xử phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm, không bị giới hạn bởi mức phạt tiền tối đa nêu trên, trong đó có 5 hành vi xử phạt từ 5 -7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, 2 hành vi xử phạt từ 1-2 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Đồng thời, 1 cơ sở vi phạm nhiều hành vi sẽ bị xử phạt cùng lúc các hành vi vi phạm. Do đó, một cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm có thể bị phạt tới nhiều tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại mức tối đa 200 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có các hình phạt bổ sung nghiêm khắc hơn như: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm...