Dân Việt

Thống đốc Lê Minh Hưng với bài toán nợ xấu và tỷ giá

Lê Thúy 22/10/2018 09:03 GMT+7
Hệ thống ngân hàng bước vào giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu với nhiệm vụ chính là giải quyết "khối u" nợ xấu. Ngoài ra, câu chuyện tỷ giá trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, ví như chiến tranh thương mại Mỹ Trung, chịu nhiều áp lực. Đây là bài toán không đơn giản với Thống đốc Lê Minh Hưng.

“Xử lý nợ xấu thực chất là nhanh hơn” đây là nhấn mạnh của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đưa ra tại Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg

Thống đốc Lê Minh Hưng nói “Đến thời điểm này có thể nói, kết quả đạt được trong việc triển khai NQ42/QH cũng như Đề án 1058 là rất tích cực. Công tác xử lý nợ xấu thực chất, tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hơn nhờ sự phối hợp của khách hàng với ngân hàng cũng như sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương tốt hơn...”

Thông điệp này được đưa ra khi quá trình đánh tan cục máu đông mang tên “nợ xấu” đã đi được hơn 1 nửa thời gian giai đoạn 2 (2016 - 2020) của đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả tích cực. Đây cũng là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự điều hành của ông Lê Minh Hưng sau khi ông nhận vai trò đảm nhiệm chức vụ Thống đốc NHNN kể từ tháng 4.2016

img 

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg

"Điểm cộng" nợ xấu

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức 4,11% vào thời điểm giữa năm 2014, giảm xuống còn 2,55% năm 2015, 2,46% cuối năm 2016 và đến hết Quý 2 năm 2018 tỷ lệ này chỉ còn là 2,09%.

Điểm đáng lưu ý, trải qua 01 năm triển khai áp dụng vào thực tiễn, Nghị quyết 42 (NQ42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm: Tính đến 30.6.2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.

Chất lượng tín dụng được cải thiện, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.

img

Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42: Đến 30.6.2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Kể ra những kết quả trên để cho thấy, Nghị quyết 42 đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Việc thực thi Nghị quyết 42 đã có kết quả trong hơn một năm qua nhưng quan trọng nhất là tạo tiền đề trong dài hạn để xử lý nợ xấu.

img

Theo nhìn nhận của chuyên gia tài chính ngân hàng, điểm cộng trong xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016 – 2018 không chỉ thể hiện ở con số mà còn thể hiện ở nhiều nhiều góc độ khác nhau. Điểm nhấn trong điều hành chính sách tiền tệ trong nhiệm kỳ Thống đốc Lê Minh Hưng đó là bảo vệ thành công Nghị quyết 42 trước Quốc hội.

“Đứng trên giác độ của quản lý Nhà nước và phải chịu trách nhiệm về hệ thống ngân hàng thì thành công lớn nhất là được Quốc Hội thông qua Nghị quyết 42 để đưa ra 1 khung khổ pháp lý đặc thù trong xử lý nợ xấu. Đây là 1 hành động chưa có tiền lệ mặc dù chưa đúng như kế hoạch ban đầu của NHNN”, một chuyên gia nhận định.

Quan trọng hơn, với vai trò là người đứng đầu NHNN, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã cho toàn xã hội hiểu, các cấp khác nhau cũng hiểu vai trò của xử lý nợ xấu, vai trò của Nghị quyết 42 trong công tác xử lý nợ xấu để từ đó không còn tư duy “xử lý nợ xấu” chỉ là việc của ngành ngân hàng mà của toàn xã hội. Khách hàng ý thức hơn trong việc trả nợ, các NHTM chủ động hơn trong xử lý nợ xấu. Các TCTD cũng hạn chế chuyển nợ sang VAMC mà tích cực xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo và sử dụng dự phòng rủi ro…

Vị này cũng cho rằng, thành công thứ 3 cũng được đánh giá cao đó chính là việc tạo án lệ trong giải quyết nợ xấu tại hội đồng thẩm phán tối cao.

“Với Nghị quyết 42, nó có kết quả ngay, giải quyết ngay vấn đề của xã hội nhưng đồng thời mang lại cơ chế xử lý lâu dài và căn bản đối với cục máu đông nợ xấu” ông này cho hay.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, khi sắp xếp lại ngân hàng trong bối cảnh đó và đạt được thành quả như ngày hôm nay là 1 việc vô cùng khó khăn, đặc biệt là xử lý động nợ xấu hơn 500 nghìn tỷ đồng của nền kinh tế.

"Tuy nhiên, giải quyết nợ xấu đã những chuyển biến tích cực. Những chuyển biến này cũng góp lớn vào tính ổn định của hệ thống ngân hàng lẫn tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Bảo nhấn mạnh.

"Ẩn số" tỷ giá

Tỷ giá là một trong những biến số nhạy bén nhất với mọi biến động của nền kinh tế không chỉ là nội tại nền kinh tế Việt Nam mà còn chịu tác động mạnh từ những biến động của nền kinh tế quốc tế.

Ngay từ đầu năm 2016, NHNN cũng đã có bước đột phá lớn trong chính sách điều hành tỷ giá bằng việc đưa ra tỷ giá trung tâm, thay vì chính sách neo tỷ giá trong 1 biên độ nào đó như trong giai đoạn trước.

Theo ý kiến cho nhiều chuyên gia kinh tế, tỷ giá và thị trường ngoại hối kể từ năm 2016 trở lại đây cũng là giai đoạn lên làm Thống đốc của ông Lê Minh Hưng được điều hành nhịp nhàng và công cụ điều hành cũng mang tính thị trường hơn.

Tính tới thời điểm hiện tại, tỷ giá trung tâm của NHNN tăng xấp xỉ 1,5% so với đầu năm, trong khi đó tỷ giá tại các NHTM tăng 2,8%. Giá USD vượt 23.000 đồng, một con số kỷ lục.

img

Diễn biến tỷ giá VND/USD từ đầu năm đến nay (Blomberg)

Theo ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối đã có cơ chế hiện đại khoa học học hơn và dự trữ ngoại hối cũng liên tiếp lập kỷ lục.

Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay sức ép của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam rất lớn, điều này tạo những sức ép đó chính là NHNN. Nhìn vào những biến động của tỷ giá trong thời gian vừa qua có thể thấy NHNN đã làm được khá tốt trong công tác điều hành chính sách tỷ giá.

Nếu xét về nguồn cung ngoại tệ hiện tại của hệ thống ngân hàng có thể thấy, nguồn cung này có thể lớn so với giai đoạn trước nhưng lại không vững chắc. Dẫn chứng cho việc “thiếu vững chắc” được thể hiện ở việc nguồn ngoại tệ này phụ thuộc lớn vào các khoản vốn FDI.

img

Trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế nước ta quá lớn, ít ra NHNN đã lường trước được sự “không bền vững” của nguồn lực ngoại hối và đã có những động thái, những quyết định vào những thời điểm có lợi nhất tạo nên sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối trong thời gian qua. Tức là những yếu tố tác động tới tỷ giá trong nước gần như nằm ngoài năng lực quản lý của nhà điều hành trong nước, nhưng vẫn không gây “bất ổn” tới nền tài chính trong nước.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, tính kinh tế thị trường trong điều tiết chính sách tỷ giá vẫn chưa nhiều. NHNN vẫn phải sử dụng các công cụ hành chính. Điều này được thể hiện ở việc neo tỷ giá quá lớn.

Ngoài ra, điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối trong đó có dòng vốn nước ngoài tại Việt Nam cũng vẫn đang sử dụng biện pháp kiểm soát theo kiểu hành chính.

Theo nhìn nhận của chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, tỷ giá VND/USD được điều hành linh hoạt trong khi các đồng tiền khác mất giá lớn  từ 7 -8%, nội tệ của Việt Nam chỉ mất giá vào khoảng 3%. Điều này cho thấy sự nỗ lực của NHNN với Thống đốc Lê Minh Hưng trong ổn định tỷ giá.

“Tuy nhiên, hiện tại tỷ giá của mình chịu nhiều áp lực từ việc Cục dữ trự liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và trong nước áp lực lạm phát đang lớn dần khiến cho tỷ giá chịu áp lực rất lớn. Nếu chúng ta điều hành tỷ giá chậm quá thì có thể sẽ không theo kịp thị trường và gây ra những bất ổn khác”, ông Hiếu cảnh báo

Đứng trên góc độ khác, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nêu quan điểm, sức ép của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam rất lớn. Người đầu tiên phải giải quyết những sức ép này đó chính là NHNN.

Tuy nhiên, bước đi của chính sách có độ vênh nhất định hay nói đúng hơn diễn biến của thị trường hay hôm nay có thể làm cho chính sách của ngày hôm qua không phù hợp. Từ đó dễ dẫn tới tâm lý người dân sẽ hoài nghi về lập trường tiền tệ của NHNN.

Trong thời gian vừa qua cũng có những lần tỷ giá có những biến động “khó lường” và gây hoang mang tâm lý cho người dân, doanh nghiệp.

“Khi NHNN thực thi đúng chính sách mình đề ra là điều tốt, nhưng khi NHNN không thực thi những gì mình đề ra thậm chí là có hàng động ngược lại thì NHNN phải có trách nhiệm giải trình, công bố một cách rộng rãi tạo sự minh bạch trong chính sách. Tôi nghĩ đó là điều NHNN cần cân nhắc trong thời gian tới” ông Bảo khuyến nghị.