Dân Việt

Ngân sách “đi trên dây” và 5 đề xuất tăng thuế gây tranh cãi của Bộ Tài chính

Hoàng Nhật 22/10/2018 07:30 GMT+7
Câu chuyện quản lý thu chi ngân sách luôn là vấn đề được dư luận quan tâm và là bài toán đau đầu của Bộ Tài chính. Đặc biệt trong thời gian gần đây, mỗi lần công bố con số nợ công, theo tính toán, tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng/năm và cùng với đó là những đề xuất tăng thuế gây tranh cãi của Bộ Tài chính.

img

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Ảnh: I.T)

Mỗi khi bản tin nợ công được công bố với con số nợ công, theo tính toán, tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng/năm. Điều đáng nói của vấn đề nợ công chính là câu chuyện quản lý ngân sách, cân đối thu chi. 

TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, từng chia sẻ thông tin, trong giai đoạn 2005-2015, trong khi tốc độ tăng thu ngân sách (sau khi đã điều chỉnh lạm phát) trung bình chỉ là 8,5% thì tốc độ tăng của chi thường xuyên là 10%, của trả lãi nợ vay là 19,3% và của chi thường xuyên khác (vốn chiếm tới khoảng một phần năm chi thường xuyên) lên tới 20,2%.

Nếu như vào năm 2009, chi thường xuyên chỉ chiếm 49,3% tổng chi ngân sách, thì đến năm 2015, tỷ lệ này đã lên tới 61,5%, và trong 9 tháng đầu năm 2017 lên tới 73%. Như vậy, tăng chi chứ không phải giảm thu ngân sách mới là nguyên nhân chính của gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ công.

Rõ ràng, thách thức lớn nhất đối với chính sách tài khóa hiện tại là không gian tài khóa hầu như không còn dư địa. Bởi thu ngân sách hiện chỉ đủ cho chi thường xuyên và chi trả nợ. Vấn đề cân đối ngân sách nằm ở việc phải giảm được chi, nhất là chi thường xuyên. Nhưng đây là một việc rất khó, trừ khi Chính phủ thực hiện cực kỳ quyết liệt. Còn nếu làm nửa vời, cố gắng cân bằng giữa các phe nhóm thì không có cách nào giảm chi cả. Bởi ai cũng cần chi tiêu, năm nay tiêu 1 đồng thì năm sau phải tiêu 1,2 đồng, rất khó giảm xuống.

Khi không cắt giảm được số chi và các khoản chi, bắt buộc phải tăng thu để cân đối ngân sách. Ở đây có một câu chuyện là anh không giảm chi được thì phải tăng thu, tăng thu không được thì buộc phải tăng vay. Nhưng vay nhiều thì lại vướng trần nợ công của Quốc hội, còn Chính phủ hiện tại cũng đang tìm cách mở rộng mẫu số - tăng GDP để giảm trần nợ công.

img

Thu ngân sách không đủ bù đắp chi và trả nợ (Ảnh: TS. Vũ Thành Tự Anh)

Và hệ quả đầu tiên là trước sức ép phải thu hẹp thâm hụt tài khóa và kiểm soát nợ công, Bộ Tài chính đã đề xuất cải cách đối với 6 sắc thuế, bao gồm: thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế tài nguyên và thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

“Người dân luôn phải đánh cược với người làm chính sách thuế!”

Dù thông cảm với bài toán khó mà người đứng đầu Bộ Tài chính phải đối mặt trong suốt nhiều năm qua khi bị đặt vào bối cảnh nợ công tăng cao, bội chi ngân sách xảy ra thường xuyên. Trong khi nhu cầu đầu tư mới luôn đòi hỏi, còn thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới, tăng trưởng dưới tiềm năng...

img

PGS. TS Ngô Trí Long  (Ảnh: I.T)

Trao đổi với Dân Việt, PGS. TS Ngô Trí Long đã đưa ra một góc nhìn khác. Đó là ngày 6.4.2016, Quốc hội thông qua Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB, Luật Quản lý thuế và có hiệu lực thi hành từ 1.7.2016.

Tuy nhiên, đề nghị sửa đổi này mới có hiệu lực trong thời gian hơn 1 năm và đã lại được đề xuất điều chỉnh. Điều này cho thấy chính sách thuế không ổn định, thay đổi liên tục.

“Nhà đầu tư và người dân luôn mong muốn có môi trường kinh doanh ổn định. Việc sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế lần này làm cho nhà đầu tư và người dân sẽ băn khoăn liệu sau kỳ sửa đổi, bổ sung lần này thì chính sách thuế này sẽ tồn tại trong bao lâu nữa? Dường như nhà đầu tư và người dân luôn phải đánh cược với nhà làm chính sách thuế. Bởi chính sách luôn có sự thay đổi, điều chỉnh sẽ tác động không nhỏ tới môi trường đầu tư, kinh doanh”, PGS. TS Ngô Trí Long nhận xét.

Lấy ví dụ đề xuất áp thuế VAT 5% với nhiều mặt hàng hiện không chịu thuế, tăng mức thuế VAT của nhiều mặt hàng đang chịu thuế 5% lên 6%, từ 10% lên 12%, ông Ngô Trí Long cho biết, thuế VAT là thuế tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế.

Tuy nhiên, thuế VAT có tính “lũy thoái” đánh vào người thu nhập thấp chịu nặng nề hơn. Dưới góc độ công bằng, tăng thuế VAT sẽ làm tổn thương và tạo áp lực nhiều hơn đối với người có thu nhập thấp, do vậy chưa thực hiện sự công bằng, và chính sách an sinh xã hội.

“Ý kiến giải trình của Bộ Tài chính cho rằng thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo còn phiến diện, chưa thuyết phục. Bởi thuế VAT có tính lũy thoái, người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn so với người có thu nhập cao. Do vậy, khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng”, PGS. TS Ngô Trí Long giải thích.

Còn TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả.

img

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu giải trình trước Quốc hội (Ảnh: I.T)

Cuối cùng, sáng 26.5.2018, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng quyết định thuế GTGT sẽ giữ nguyên mức thuế phổ thông là 10%, không nâng lên 11 - 12% như dự thảo ban đầu, đồng thời kết cấu lại các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế ở mức 0%, 5%, đảm bảo công bằng và hạn chế các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế làm mất tính trung lập của thuế.

Nỗi lo lạm phát do tăng kịch khung thuế xăng dầu

Cách đây không lâu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu.

Trước đó, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa ra đề xuất tăng thuế môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu. Lần gần nhất, Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý giữ nguyên mức tăng kịch khung, nghĩa là 1 lít xăng “cõng” 4.000 đồng tiền thuế BVMT.

Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế BVMT dự kiến đạt 57.312 tỉ đồng/năm, tăng thêm 15.684 tỉ đồng/năm. Trong đó, riêng số thu thuế BVMT đối với xăng, dầu dự kiến 55.591 tỉ đồng/năm, tăng 14.863 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, phương án tăng thuế của Bộ Tài chính đã phải nhiều ý kiến phản đối.

TS. Bùi Trinh cho rằng, hoạt động sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, mới chính là lý do để đánh thuế BVMT nhằm phục vụ cho hoạt động bảo vệ, tái tạo môi trường.

Theo nghiên cứu dựa trên bảng cân đối liên ngành (I/O) và số liệu từ báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy nhóm ngành thải ra lượng GHG lớn nhất là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nhóm ngành này thải ra lượng GHG gần gấp 3 lần mức bình quân chung của nền kinh tế. Tiếp đến là nhóm ngành xây dựng cao hơn mức bình quân chung 2,4 lần và nhóm ngành nông - lâm - thủy sản cao hơn mức bình quân chung 2,1 lần.

“Một điểm đáng chú ý là sản xuất hàng xuất khẩu gây nên phát thải GHG lớn nhất, chiếm trên 50% tổng lượng phát thải GHG. Trong đó, sản xuất hàng xuất khẩu cơ bản lại thuộc khu vực FDI, chiếm 73%.

Trong khi đó, với chính sách ưu tiên xuất khẩu hàng hóa hiện nay gồm ưu tiên thuế và tín dụng thì có hay không việc người dân vừa phải chịu đựng gánh nặng thuế khóa vừa phải chịu đựng ô nhiễm không khí, còn nhà đầu tư nước ngoài vẫn hưởng lợi?”, ông Bùi Trinh đặt câu hỏi.

Còn theo TS. Phạm Thế Anh, nếu thuế xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít thì sau 1 năm, lạm phát sẽ có thể tăng thêm từ 1,6 - 1,7 điểm phần trăm. Con số này cao hơn nhiều so với các mức ước tính của các cơ quan nhà nước là từ 0,07 - 0,09 điểm phần trăm.

Ông Thế Anh cho rằng, mục đích chính của việc tăng thuế bảo vệ môi trường là nhằm hỗ trợ ngân sách, tuy nhiên xét trong bối cảnh hiện tại thì đây là biện pháp tăng thu ngân sách không phù hợp. Vì xăng dầu là yếu tố dầu vào của hầu hết các hoạt động kinh tế do đó việc tăng thuế xăng dầu sẽ tác động mạnh lên tiêu dùng của hộ gia đình và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu đang có dấu hiệu tăng nhanh.