Chạy ăn từng bữa
Những ngày cuối năm này trên công trường mỏ sắt Thạch Khê vắng lặng, hẩm hiu đến nao lòng. Cùng chung số phận đó là cuộc sống của người dân 5 xã nằm trong vùng quy hoạch của mỏ sắt.
Ông Nguyễn Trường Trung ở thôn Thượng Hải, Thạch Hải (Thanh Hà, Hà Tĩnh) đang chạy ăn từng bữa. |
Ông Nguyễn Trung Chiến- Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà cho biết: Xã Thạch Hải chịu ảnh hưởng nặng nề của mỏ sắt Thạch Khê, cả xã phải di dời 100% hộ đi nơi khác. Nguồn nước ngầm cạn kiệt, sản xuất không có thu hoạch, nhân dân thiếu việc làm nên đời sống hết sức khó khăn, nạn đói nghèo lại tái diễn. Để chuẩn bị lo tết cho người dân, xã đã lập danh sách các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo để trình huyện xin hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán 2012 này.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến thôn Thượng Hải nằm ở vùng rốn của mỏ sắt Thạch Khê. Đón chúng tôi trong căn nhà cấp 4, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tương (58 tuổi) và bà Võ Thị Lưu cho biết, vợ chồng ông chủ yếu sống dựa vào 2 sào ruộng thì nay đã bị thu hồi, không có việc gì làm. Ông Tương phải đi bổ củi thuê kiếm sống qua ngày. “Mặc dù Tết cũng đã cận kề nhưng chưa biết kiếm đâu ra tiền mua cân thịt, cặp bánh chưng thờ tổ tiên ông bà”- ông Tương rầu rĩ.
Ở Quảng Ngãi, nhiều hộ dân có nguy cơ đói do mưa lũ. Trong căn nhà nhỏ nằm ngay giữa xóm, chị Nguyễn Thị Vân (37 tuổi), ở xã Đức Phú (Mộ Đức), giọng đượm buồn: Đợt mưa lũ bất ngờ xảy ra vào tháng 11 vừa qua, ngoài cuốn trôi đồ đạc và khoảng 3 sào (500m2/sào) rau màu, nước lũ đã làm hư hỏng hơn 7 tạ lúa để dành ăn cho gia đình.
Rà soát tình hình thiếu đói dịp Tết
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát tình hình thiếu đói tại các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2012.
Trên cơ sở đó, tổng hợp nhu cầu và đề xuất mức hỗ trợ cụ thể cho từng địa phương, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu đói nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2012.
Vân Diên
Vì vậy hơn 1 tháng qua, 2 vợ chồng chị phải đi làm thuê để kiếm sống và nuôi con nhưng không chỉ đủ đắp đổi qua ngày, nguy cơ đói trong dịp giáp hạt. Còn tại huyện miền núi Tây Trà, đợt rét lạnh kéo dài từ nhiều tuần nay, không những “bó chân” người dân tại nhà, mà làm cây trồng của người dân bị chết, hư hỏng.
Co ro trong chiếc chăn mỏng, anh Hồ Văn Xanh (48 tuổi), ở xã Trà Quân, lắc đầu: Trời lạnh quá nên bà con không thể ra nương rẫy để chăm sóc hoa màu, hay đi làm thuê để kiếm tiền được. “Cái ăn còn lo từng bữa nói gì đến chuyện tết”- anh Xanh nén tiếng thở dài.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ tháng 8 đến tháng 11 vừa qua, trên địa bàn đã có nhiều đợt lũ xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng về tài sản, với tổng số tiền ước trên 200 tỷ đồng. Đặc biệt mưa lũ đã cuốn trôi và làm hư hại hàng ngàn tấn lúa dự trữ của người dân, dẫn đến nhiều hộ có nguy cơ và bị thiếu lương thực, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt sắp đến.
“Gõ cửa” cấp trên xin hỗ trợ
Ngày 27.12, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, bà Lê Thị Mai Hoa - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh cho biết, trước thực trạng hết sức khó khăn của dân nghèo, trong khi ngân sách tỉnh không thể cân đối được, tỉnh Hà Tĩnh vừa có kiến nghị T.Ư xin hỗ trợ gạo và tiền cho khoảng 51.000 hộ, 155.000 nhân khẩu.
Theo đó đối tượng thiếu đói 1 tháng hỗ trợ 15kg gạo, đối tượng thiếu đói 2 tháng là 30kg. Được biết, trong đợt hỗ trợ này Hà Tĩnh chú trọng tập trung hỗ trợ gạo cho người dân các khu tái định cư bị mất đất sản xuất đang gặp khó khăn như mỏ sắt Thạch Khê và Formosa…
Còn tại Quảng Ngãi, ông Đỗ Tiến Tân - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Sở LĐTBXH tỉnh cho biết, qua rà soát ước tính còn khoảng 19.050 hộ, với 66.670 khẩu, cần được hỗ trợ lương thực trong thời gian 1 tháng, với mức hỗ trợ là 15kg/người.
Nghệ An: Chi 260 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo
Ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho biết, UBND tỉnh Nghệ An sẽ trích 260 tỷ đồng để hỗ trợ cho những đối tượng chính sách, các gia đình thuộc diện hộ nghèo đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 với mức hỗ trợ là 100.000 đồng/hộ. Năm 2011, do thiên tai lũ lụt, bà con nông dân nhiều huyện ở Nghệ An mất mùa nên xảy ra tình trạng thiếu đói. Ngoài trợ cấp tiền cho những hộ nghèo, UBND tỉnh xin Chính phủ cứu trợ 900 tấn gạo cho gần 2 nghìn hộ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán, mức tối thiểu 15kg gạo/khẩu để bà con có được cái tết no ấm.
Tiến Dũng
“Tổng số gạo cần được hỗ trợ là 1.000 tấn. 200 tấn gạo cấp hỗ trợ khắc phục thiên tai hiện đã và đang cấp. Còn 800 tấn gạo đề nghị hỗ trợ cho hộ nghèo trong dịp tết sắp đến thì tuy chưa nhận được văn bản, nhưng có nghe Chính phủ đồng ý phê duyệt” - ông Tân nói.
Ngoài Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, 5 tỉnh còn lại là Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum cũng đang trông ngóng hỗ trợ gạo cứu đói cho bà con. Bà Hoàng Thị Xuyến – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTBXH Cao Bằng) cho biết, để hỗ trợ hộ nghèo và hộ khó khăn đột xuất và các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ 500 tấn gạo cứu đói cho 4.973 hộ với 25.65 khẩu. Theo bà Xuyến, mỗi khẩu được đề xuất mức hỗ trợ 15kg gạo/tháng, tùy từng mức độ khó khăn sẽ được hỗ trợ từ 1 tới 3 tháng.
Trao đổi với NTNN, bà Lò Thị Phượng – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Lai Châu cũng cho biết: Căn cứ vào nhu cầu của 7 huyện, thị báo lên, năm nay có 15.177 hộ, 72.908 nhân khẩu cần trợ giúp gạo vào thời điểm giáp hạt cũng là đúng dịp Tết Nguyên đán với số gạo đã đề xuất 2.034 tấn. “Riêng các hộ thuộc diện Đề án bảo vệ rừng ở các xã biên giới cần trợ giúp gạo, cứu đói trên địa bàn tỉnh đã chiếm tới 9.180 hộ với 45.098 khẩu. Có gạo cứu đói của Chính phủ, hy vọng bà con có cái tết no đủ và vượt qua thời điểm giáp hạt”.
Công Xuân- Hữu Anh- Thanh Xuân