“Nhiều năm qua, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo hướng công nghiệp, dần xóa bỏ tình trạng đâu đâu cũng cảnh “cắt tiết, làm lông” dọc đường phố. Tuy nhiên, theo đánh giá, đến nay tình hình vẫn không mấy được cải thiện”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát thừa nhận tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp mới đây.
Nhiều mẫu thịt trên thị trường không an toàn đối với sức khoẻ người tiêu dùng (ảnh minh hoạ). |
Mặc dù, Cục Thú y đã triển khai nhiều biện pháp, song hiện chưa đưa được giết mổ vào quy củ, vẫn còn 38% cơ sở giết mổ không đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, đó còn chưa kể đến việc giết mổ thủ công nhỏ lẻ khắp các chợ cóc, chợ tạm.
Theo báo cáo từ nhiều tỉnh, thành cho thấy, có đến 60% thịt bán trên địa bàn có vấn đề. Cụ thể, qua kiểm tra, lấy mẫu 817 mẫu thịt (lợn, gà), kết quả phát hiện 254 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh, 162 mẫu vi phạm chỉ tiêu về tụ cầu khuẩn, đặc biệt 12 mẫu thịt gà phát hiện có vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn và 3 mẫu thịt lợn có chứa chất kích thích tăng trưởng Clenbutarol.
Ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương biên giới như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh bắt giữ và xử lý hơn 230 tấn gia cầm, phủ tạng gia súc, tăng gần 7 tấn so với năm 2010.
Song ông Tiệp cũng thừa nhận, công tác kiểm dịch tại các địa phương mới chủ yếu dừng lại ở kiểm tra bằng cảm quan, lâm sàng, giấy chứng nhận kiểm dịch, mà chưa lấy được mẫu máu xét nghiệm, chẩn đoán các bệnh theo quy định.
Bên cạnh sản phẩm thịt, thì rau củ quả tươi cũng đang là mối lo ngại của không ít người tiêu dùng. Cũng kết quả kiểm tra cho thấy, đã lấy 1.799 mẫu rau, phát hiện 164 mẫu vi phạm chiếm tỷ lệ 9%, chủ yếu và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: “Với tỷ lệ này, cứ 10 tấn rau nông dân làm ra thì 1 tấn có vấn đề. Cứ 10 lần người dân đi chợ, có ít nhất 1 lần mua phải rau nhiễm thuốc trừ sâu”.
Chế tài xử lý còn quá nhẹ
Bà Lê Thị Thanh Nhàn- Giám đốc Sở NNPTNT Lạng Sơn cho biết: “Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh mới thành lập, hiện chỉ có 2 nhân lực, nên làm không xuể. Muốn kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc gia cầm thì phải đề nghị kết hợp với các đơn vị khác, chứ Chi cục có 2 người thì không thể làm được”.
Cũng theo bà Nhàn, hiện Lạng Sơn có hơn 500 điểm giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng không có điểm nào đảm bảo vệ sinh thú y. “Trong vấn đề xử lý kinh doanh, giết mổ thực phẩm “bẩn”, chúng ta còn làm quá nhẹ, không đủ sức răn đe khiến “nhờn” luật” - bà Nhàn nói.
Còn tại một số thị trường lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tình hình vi phạm ATTP trong giết mổ, trong kinh doanh gia súc, gia cầm, rau củ quả tươi càng “nóng”. Riêng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, trong năm 2011, đã phát hiện và xử lý trên 11.000 trường hợp vi phạm, phạt 4 tỷ đồng.
Theo Sở NNPTNT TP. Hồ Chí Minh, thời điểm này, các lô hàng thực phẩm “bẩn” đang ồ ạt tấn công vào thành phố bằng đường bộ. “Tôi ngạc nhiên khi mà thực phẩm “bẩn” được vận chuyển từ Bắc vào Nam, qua rất nhiều tỉnh, thành lại không bị phát hiện” - ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh đặt nghi vấn.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Tiệp, hiện chưa có đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định về điều kiện đảm bảo ATTP tại từng chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản từ khâu chăn nuôi/trồng trọt đến sơ chế, chế biến, lưu thông trên thị trường. Cơ quan thú y hầu như không kiểm soát được động vật giết mổ tại lò giết mổ. Trong khi đó, nhận thức và ý thức về ATTP của các bên còn hạn chế dẫn đến sử dụng không đúng cách thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng...
Ngọc Lê