Giàu có nhờ vốn Agribank
Nhìn ngôi nhà khang trang, xe ôtô, cùng với trang trại thẳng cánh cò bay của gia đình anh Nguyễn Thất (thôn Thạch Hà 2, xã Quảng Sơn, Ninh Sơn), khó có thể nghĩ anh làm nên cơ ngơi hoành tráng bằng hai bàn tay trắng.
Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank mà kinh tế gia đình anh Nguyễn Thất ổn định, vươn lên làm giàu. Ảnh: Công Tâm
"Nhiều đêm tôi trăn trở, nếu cứ làm thuê mãi thì kinh tế gia đình không thể nào khá lên được. Chính vì vậy, tôi nghĩ cần có bước đột phá làm ăn may ra mới đổi đời”. Anh Nguyễn Thất |
Năm 1999, anh Nguyễn Thất tiếp cận nguồn vốn 30 triệu đồng của Ngân hàng Agribank Ninh Sơn để sản xuất đường và trồng mía. Đến nay, anh đã xây dựng mô hình khá bài bản và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương.
Hiện tại, anh Nguyễn Thất đã có 22ha mía, khoai mì (sắn), 5ha trồng cây ăn quả (cây xoài, dừa, mãng cầu, bưởi da xanh) và 22 con bò sinh sản. Ngoài ra, anh còn mở rộng đầu tư thu mua bao tiêu các loại sản phẩm nông nghiệp của nông dân trên địa bàn.
Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào làm ăn, anh Nguyễn Thất cho biết: “Năm 1973, gia đình tôi từ tỉnh Quảng Trị vào đây lập nghiệp. Sau khi lập gia đình, tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Vào thời điểm đó, kinh tế vất vả khó khăn lắm, cuộc sống thiếu trước, hụt sau là chuyện xảy ra thường xuyên. Hàng ngày, hai vợ chồng tôi lặn lội đi làm thuê đủ thứ nghề, từ cắt lúa đến làm thuốc lá thuê cho người ta... ” - anh Thất kể.
Vào thời điểm này, nhiều hộ dân trên địa bàn muốn bỏ nghề trồng mía, nguyên nhân do chi phí đầu tư cao, sản phẩm sau khi thu hoạch bán ra giá thấp, chỉ dao động từ 80.000 – 90.000 đồng/tấn, nên không có lãi. Là người nhạy bén trong làm ăn, anh Thất quyết định vay vốn của ngân hàng 30 triệu đồng, cộng với đồng vốn tích góp nhiều năm thuê 120ha diện tích mía non của người dân để chăm sóc.
Anh Thất chia sẻ, lúc ấy cũng mạo hiểm lắm, vừa làm, vừa sợ. Nhờ thời tiết thuận lợi, đến giai đoạn thu hoạch giá bán cao 180.000 đồng/tấn, sản lượng đạt 60 tấn/ha. Ngay vụ đó, sau khi trừ các khoản chi phí anh đã có lãi hơn 1 tỷ đồng. Có vốn, anh lập tức trả nợ ngân hàng và số còn lại anh đầu tư mua đất để trồng sắn, mía.
Từ đó đến nay, kinh tế gia đình của anh đã khấm khá hơn trước, doanh thu bình quân từ 1,7 – 2 tỷ đồng/năm, ngoài ra anh còn có thu nhập từ dịch vụ kinh doanh nông nghiệp.
Tiếp tục “dốc” vốn cho tam nông
Dẫn chúng tôi xem vườn sắn 10ha rộng lớn, anh Thất vui mừng cho hay, sắn của gia đình đang bắt đầu thu hoạch, giá bán hiện 2,8 triệu đồng/tấn/30 độ bột, cao hơn mọi năm 300.000 đồng/tấn. Nhẩm tính, 10ha này dự kiến cho doanh thu từ 600 – 700 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 400 triệu đồng.
Nói về hiệu quả đồng vốn, anh bộc bạch, các thủ tục vay vốn đều đơn giản, nhanh gọn, cán bộ nơi đây hướng dẫn chu đáo. Đồng vốn này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho những nông dân khó khăn như tôi và phần nào tiếp thêm động lực cho nông dân làm giàu.
Theo lãnh đạo Agribank huyện Ninh Sơn, tính đến cuối tháng 9.2018, tổng dư nợ đạt trên 953 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ xấu tại Agribank Ninh Sơn ở mức rất thấp, có những địa bàn không có nợ xấu. Để có được kết quả trên, cán bộ và lãnh đạo ngân hàng luôn tích cực vận động, hỗ trợ người dân sử dụng đồng vốn đúng mục đích và thực hiện các phương án trả nợ hiệu quả.
Thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển của địa phương để tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn để người dân có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, tập trung huy động vốn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh cho vay qua tổ liên kết nhằm tăng trưởng tín dụng gắn với mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.