Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Đức cho biết, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, từ lâu cây na ở Mai Sơn đã trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ trồng na.
"Trồng loài quả trăm mắt này, vừa nhàn lại cho thu nhập cao cho" anh Đức thổ lộ
Theo anh Đức, để cây na sinh trưởng tốt, cho sai quả cần phải nắm vững kỹ thuật bấm tỉa cành, thụ phấn, bón phân định kỳ.
Chia sẻ về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán cho na, anh Đức cho hay, mỗi năm bấm tỉa cành 2 lần: Đầu tháng 12 âm và ngoài rằm tháng riêng. Với cách tỉa thành 2 đợt như vậy, sẽ đỡ vất vả trong việc thụ phấn cho cây và khi thu quả cũng tiện lợi hơn. Tỉa cành, tạo tán cũng sẽ giúp trẻ hóa cây na. Những cây na già cỗi, ít quả sau khi bấm tỉa cành sẽ trở thành những vườn na tươi tốt, khỏe mạnh, sai quả.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, không riêng gì nhà anh Đức mà các hộ lân cận anh Đức đều dễ dàng bỏ túi trăm triệu mỗi năm từ cây na
“Từ tháng 3 đến cuối tháng 4 khi cây đâm chồi nảy lộc, tôi sẽ hái những bông hoa mới chín ở đầu cành đem về ủ và rũ lấy phấn. Sau khi ủ qua một đêm, hạt phấn đã chín, tôi tiến hành loại bỏ các cánh hoa và cho hạt phấn vào ống hút chấm rồi tiến hành thụ phấn cho những bông hoa mọc giáp ở thân cây. Những quả ở thân cây được cung cấp chất dinh dưỡng nhiều nên quả vừa to, lại vừa ngon” – anh Đức tiết lộ.
Anh Đức là một trong những hộ tích cực tham gia ngày Hội na và lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Na Mai Sơn”
Ngoài kỹ thuật tỉa cành, thụ phấn, để quả trăm mắt được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và sạch, anh Đức cho vườn na nhà mình “ăn” phân hữu cơ vi sinh nhập khẩu từ nước Bỉ.
Trên diện tích 8.000 m2, anh Đức trồng 500 cây na. Nhờ được chăm bón tốt, tính đến cuối vụ năm 2018, anh Đức bán được 7 tấn quả, với giá bình quân 25 – 30 nghìn đồng/kg thu được 180 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Đức lời 120 – 130 triệu đồng.
Theo anh Đức, quả na thụ phấn ở thân cây cho chất lượng quả to, ít hạt, ngọt sắc không địa phương nào có được nên được khách hàng rất ưa chuộng
“Bà con trồng na ở tiểu khu 1 này thường nói vui với nhau, từ khi biết ứng dụng khoa học vào chăm sóc, cây na nơi đây đã “đẻ” ra nhiều quả trăm mắt hơn, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các hộ trồng na và giúp có cuộc sống khá giả hơn” – anh Trương Văn Đức phấn khởi.