Tàu USS Houston năm 1934.
Vào đêm 28.2.1942, tàu sân bay USS Houston, dưới sự chỉ huy của Đô đốc Tommy Hart, Tư lệnh Hạm đội châu Á Mỹ, đã biến mất không một dấu vết ở một nơi “không rõ ràng” ngoài khơi bờ biển tây bắc của đảo Java (Indonesia). Trong số 1.008 quân nhân và nhân viên phục vụ trên USS Houston, có khoảng 350 người thoát được khi con tàu bị đắm và ngay sau đó họ bị bắt giữ làm tù binh. Trong số này chỉ có 266 người còn sống sót sau khi trải qua cảnh sống khắc nghiệt trong các trại giam giữ tù binh chiến tranh của Nhật Bản.
Bí ẩn về tàu USS Houston hoàn toàn không có lời giải đáp cho tới khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc và những người còn sống sót được giải thoát khỏi các trại tù.
Câu chuyện về USS Houston, đặc biệt trong ba tuần cuối cùng của cuộc chiến chống lại đối phương, là một trong những bản “anh hùng ca vĩ đại” của Hải quân Mỹ, nhưng các nhà sử học của Chiến tranh Thế giới thứ 2 dường như đã bỏ qua điều này.
USS Houston được hạ thủy ngày 7.9.1929 và đưa vào hoạt động ngày 17.6.1930. Houston có lượng choán nước 9.200 tấn, được trang bị 9 khẩu đại pháo cỡ nòng 200 mm, 8 khẩu 130 mm cùng nhiều loại pháo khác và là một trong những tàu chiến có hỏa lực mạnh của Hải quân Mỹ vào thời điểm đó. Khi Chiến tranh Trung - Nhật nổ ra năm 1931, USS Houston đến Thượng Hải để bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân Mỹ tại đó.
Ngày 17.11.1933, chiếc tàu tuần dương này đến San Francisco, gia nhập Lực lượng Tuần tiễu và trong suốt những năm trước khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra, nó đã tham gia các cuộc tập trận CácVấn đề Hạm đội hàng năm để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân và bảo đảm cho các tàu thương mại cơ động an toàn tại Thái Bình Dương.
Tháng 11.1941, USS Houston được triển khai tới Philippines lần thứ hai và trở thành soái hạm của Đô đốc Thomas C. Hart, Tư lệnh Hạm đội Châu Á. Khi nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Nhật Bản ngày càng tăng lên, USS Houston được phái tới vùng biển Australia và Hà Lan. Sau các nhiệm vụ tuần tra, nó gia nhập lực lượng hải quân của Bộ chỉ huy Mỹ - Anh - Hà Lan - Australia (ABDA) tại Surabaya, dưới sự điều hành chung của Đô đốc Hải quân Hoàng gia Hà Lan Karel Doorman.
Tại khu vực này, các cuộc giao tranh giữa Nhật Bản và quân đồng minh thường xuyên diễn ra. Ngày 4.2.1942, Trận chiến biển Bali - hay còn được biết đến dưới tên gọi Trận chiến eo biển Makassar - đã nổ ra khi các phi đội máy bay ném bom của Nhật liên tục tổ chức các cuộc tấn công, từ mọi hướng có thể. Sau đợt tấn công đầu tiên, những máy bay này vẫn ở trên độ cao khá xa tầm kiểm soát của súng phòng không trên tàu Houston, vì quân Nhật đã có được bài học về sự thận trọng cần thiết khi trước đó, một máy bay Nhật đã bị nổ tung trên bầu trời và vài chiếc khác bị trúng đạn.
Tuy nhiên, chính loạt đạn đầu tiên của quân Nhật đã suýt đánh trúng USS Houston. Đó là loạt thả bom hoàn hảo, và xung lực từ vụ nổ của những quả bom hạng nặng này giống như một bàn tay khổng lồ nắm lấy con tàu, nhấc bổng nó lên khỏi mặt nước và ném nó ra xa nhiều mét khỏi vị trí ban đầu. Mặc dù không có thương vong nào nhưng một số thiết bị điều khiển hỏa lực của USS Houston đã bị rơi khỏi giá đỡ và trở nên vô dụng, trong khi nước bắt đầu tràn vào qua các khe nứt giữa các tấm thép trên thân tàu.
Nhờ vào sự xử lý thông minh của Thuyền trưởng Rooks, toàn bộ thủy thủ đoàn đã thoát khỏi bàn tay của tử thần. Sau đó đã xảy ra một sự việc kinh hoàng trong buổi chiều hôm ấy. Một quả bom bị lạc hướng đã lao thẳng vào phần giữa đuôi tàu. Thuyền trưởng Rooks thiệt mạng. Quả bom đã phát nổ trên boong tàu ngay trước tháp pháo số 3.
Các mảnh bom xé nát tháp pháo như cắt qua một tờ giấy mỏng. Chỉ trong khoảnh khắc, toàn bộ thủy thủ trên tháp pháo và phòng điều hành bên dưới đều hi sinh. Đó thực sự là một trận chiến kinh hoàng, tang tóc khi 48 người đã bị chết và 50 người khác bị thương hoặc bị bỏng nặng. Tuy nhiên, trong trận chiến này, USS Houston đã bắn rơi 4 máy bay đối phương.
Trong suốt hai ngày tiếp theo, đã 6 lần tiếng còi báo hiệu không kích của đối phương vang lên. Thời gian trôi qua và nhiều quả bom tiếp theo dội xuống tạo ra những xoáy nước sâu hoắm, hất tung nước và các mảnh bom lên boong tàu. Một bến tàu cách đó gần 100m đã bị phá hủy và một tàu bệnh viện của Hà Lan đã bị đánh trúng. Tuy nhiên, dù quân Nhật đã nhiều lần tấn công nhằm đánh đắm USS Houston, con tàu vẫn “ngạo ngễ” neo đậu vững vàng trên biển.
Sau khi USS Houston bị hư hại nhẹ, Đô đốc Doorman đã ra lệnh cho con tàu quay trở về Australia để sửa chữa. Ngày 15.21942, USS Houston cùng với tàu khu trục USS Peary và tàu tuần tra HMAS Warrego, HMAS Swan rời Darwin (Australia) hộ tống các tàu USAT Meigs, SS Mauna Loa, Portmar và Tulagi tới Koepang, thành phố thuộc tỉnh Timur, Indonesia. Đến 11 giờ cùng ngày, cả đoàn đã bị máy bay Nhật tấn công nhưng không gây ra thiệt hại nào. Trưa hôm sau, cả đoàn lại bị các máy bay ném bom và chiến đấu của Nhật tấn công 2 lần.
Trong cuộc tấn công đầu tiên, chỉ có tàu Mauna Loa bị hư hại nhẹ và 2 người thương vong. Lần này, hỏa lực của USS Houston tỏ ra không hiệu quả. Trong cuộc tấn công thứ hai của quân Nhật, USS Houston đã bắn hạ 7 trong số 44 chiếc máy bay của đối phương. Sau khi các tàu đến Timor, Houston và Peary tiếp tục khởi hành vào hôm sau để tái gia nhập lực lượng chiến đấu, tham gia vào một hoạt động chống tàu ngầm ngoài khơi Darwin.
(Còn tiếp)