Dân Việt

Những ly rượu bia tội lỗi

Chiến Văn 23/10/2018 17:36 GMT+7
Vụ nữ tài xế lái xe BMW gây tai nạn liên hoàn tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) khiến 1 người chết, 7 người bị thương đang khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Điều đáng nói hơn là, "thủ phạm" chính gây ra vụ tai nạn thương tâm trên vẫn là một cái tên hết sức quen thuộc, đó là "ma men"...

Theo con số thống kê được công bố đầu năm 2018, hiện nay Việt Nam đứng thứ 29 thế giới về chỉ số sử dụng rượu bia; lượng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta đang đứng thứ 3 châu Á, với mức trung bình 8,3 lít/người/năm. Theo dự báo, lượng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam sẽ còn cao hơn nữa. Trung bình mỗi năm, người dân nước ta chi cho tiêu thụ rượu bia khoảng 3,4 tỉ USD, gần bằng 3% số thu ngân sách của cả nước.

img

Hiện trường vụ tai nạn nữ lái xe BMW gây ra tại ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM.

Đây là con số rất… ấn tượng, nhưng chẳng có gì đáng vinh dự, tự hào, mà chỉ khiến người đọc cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Càng đáng lo ngại hơn khi theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2017, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Trên thực tế, có lẽ con số này còn lớn hơn nữa và đang có biểu hiện ngày một gia tăng.

Những con số đáng báo động kia chắc chắn khiến nhiều người giật mình, nhưng sẽ không mấy ai nghi ngờ về tính xác thực của nó. Chỉ cần ra ngoài đường, vào bất cứ giờ nào, từ vỉa hè tới hàng quán, người ta có thể thấy được phong trào tụ tập nhậu nhẹt của người dân Việt Nam sôi động cỡ nào. Tiêu thụ rượu bia nhiều, uống mọi nơi mọi lúc, trong khi ý thức tham gia giao thông kém, việc quản lý, kiểm soát người điều khiển giao thông sử dụng bia rượu của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo... nên việc số vụ tai nạn giao thông nhiều như là hệ quả tất yếu, hoàn toàn chủ quan, logic.

Trở lại vụ tai nạn thương tâm kể trên, theo kết luận của cơ quan chức năng, nữ tài xế lái xe có chỉ số nồng độ cồn trong khí thở rất cao, 0,94mg/lít. Theo thông tin ngoài lề, được biết người phụ nữ này là chủ một hệ thống nhà hàng khá có tiếng. Hôm đó, gia đình có tiệc nên chị đã uống hơi nhiều, sau đó tự lái xe một mình.

img

Việt Nam đứng thứ 3 châu Á về tiêu thụ rượu bia, với mức trung bình 8,3 lít/người/năm.

Trong xã hội hiện đại, văn minh, việc người phụ nữ cầm ly rượu, bia để nâng cùng bạn bè, người thân, khách mời, đối tác... không phải hiếm và cũng không có gì đáng phải lên án. Ở thời đại mọi thứ đều "thần tốc", người ta thường gộp các buổi hẹn, trao đổi, bàn bạc, thậm chí giải quyết công việc trên bàn tiệc. Nếu quá khép kín, hoặc không tự trang bị cho mình những phong cách giao tiếp hiện đại, người ta rất dễ bị tụt hậu, đánh mất cơ hội của mình.

Vấn đề ở chỗ, chúng ta uống như thế nào, uống bao nhiêu là đủ? Đây là điều hết sức phức tạp không thể có câu trả lời chung cho tất cả mọi người. Mỗi bữa tiệc có ý nghĩa khác nhau. Mỗi đối tác lại có những yêu cầu, sức hấp dẫn khác nhau. Thể trạng, hay gọi nôm na là "tửu lượng" mỗi người cũng khác nhau nữa. Vì vậy, thật khó để mang định lượng uống rượu bia ở bữa tiệc này, ở cuộc gặp này đến nơi khác, với cuộc gặp khác. Quan trọng nhất với mỗi người, nhất là phụ nữ, đó là phải tự làm chủ được sự tỉnh táo của mình.

Nói thì đơn giản như vậy, nhưng thực hiện không hề dễ. Bởi, khi vào "cuộc vui", trước không khí rôm rả, mọi người dễ bị cuốn theo, để rồi sau đó tặc lưỡi: Uống tẹt ga đi! Rất ít người uống rượu say mà tự nhận là mình đã say. Cộng với sự "tự trọng" dâng cao, họ muốn thể hiện cho người xung quanh biết rằng họ vẫn có thể tự lái được xe về một cách an toàn. Lúc ấy, không ai còn nhớ đến thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, các biện pháp xử phạt ngày càng tăng nặng với hành vi lái xe khi say rượu bia dường như cũng ít tính răn đe, dịch vụ đưa người say về nhà thì chưa ra đời đã chết yểu… Hậu quả là con số 40% vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu.

img

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do lái xe say xỉn.

Nghĩ sâu xa về nguyên nhân của vụ tai nạn trên, tôi cho rằng, chị lái xe BMW đáng trách vì không làm chủ được bản thân đã đành, nhưng những người cùng tham gia bữa tiệc với chị cũng rất đáng trách. Họ đã không kịp thời can thiệp, để chị uống quá nhiều, sau đó lại không quyết liệt ngăn cản, để chị tự lái xe trong tình trạng không kiểm soát được bản thân. Giá như những người xung quanh chị văn minh, có ý thức cộng đồng hơn, có lẽ vụ tai nạn đáng tiếc đã không xảy ra.

Vụ tai nạn thương tâm xảy ra, mất mát của nạn nhân không gì bù đắp được. Chị lái xe kia, dù có tự bao biện thế nào đi chăng nữa, cũng sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật. Sau đó, là những ám ảnh, cắn rứt lương tâm mà chắc còn lâu mới nguôi ngoai được.

Nhưng bây giờ, có lên án đến mức nào cũng không phải là cách tốt nhất để bù đắp lại những gì chị đã gây ra. Điều quan trọng hơn mà chúng ta cần tập trung lên án, đó là thói quen sử dụng rượu bia bừa bãi, lạm dụng rượu bia mọi lúc mọi nơi và ý thức chấp hành pháp luật giao thông quá kém của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam.

Ngày nào mà chúng ta còn suy nghĩ, đã vui là phải có rượu bia, đã uống là phải hết mình, khi nào những người đàn ông cho rằng ép được phụ nữ uống say là thú vui, là niềm hãnh diện... thì lúc đó chắc chắn sẽ còn nhiều vụ tai nạn thương tâm nữa xảy ra. Và, như thế, việc oán trách, lên án bất cứ một cá nhân cụ thể nào cũng đều vô nghĩa...!