Trung Quốc khánh thành cầu vượt biển dài nhất thế giới, nối Hong Kong với Trung Quốc đại lục.
Theo AP, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt tại lễ khánh thành cây cầu dài nhất thế giới ở Chu Hải. Bắc Kinh tuyên bố cây cầu đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch kết nối Hong Kong và Macau tới 11 thành phố ở Trung Quốc đại lục. Khu vực này trong tương lai hoàn toàn có thể là trung tâm công nghệ cao cạnh tranh với thung lũng Silicon ở Mỹ.
Cây cầu trị giá 20 tỷ USD tốn gần một thập kỷ xây dựng, sau nhiều lần trì hoãn và đội chi phí. Cây cầu tạo thành tuyến đường nối liền Trung Quốc đại lục với Hong Kong, một trung tâm tài chính ở châu Á. Người Anh đã trả lại Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997, trong khi Bắc Kinh cam kết để Hong Kong tự chủ trong 50 năm.
Nhưng ở Hong Kong, nhiều người lo ngại về tham vọng của Bắc Kinh trong việc biến thành phố thành một phần của Trung Quốc đại lục.
“Cây cầu không thực sự cần thiết. Hong Kong và Trung Quốc đại lục đã có nhiều cách để kết nối với nhau”, Claudia Mo, chính trị gia Hong Kong nói. “Cây cầu giống như một biểu tượng chính trị, hoặc lời nhắc nhở người Hong Kong rằng, họ luôn là một phần của Trung Quốc đại lục. Giống như một dây rốn vậy”.
Để xây dựng cây cầu, Hong Kong đã phải chi 9 tỷ USD, trong khi thành phố đang phải đối phó với tình trạng thiếu nhà ở xã hội và người nghèo vẫn còn chiếm số đông. "Hong Kong đã phải chi rất nhiều cho cây cầu, nhưng chúng tôi không thấy nhiều lợi ích từ nó", Mo nói.
Cây cầu cần tới 400.000 tấn thép để xây dựng, với khả năng chống chịu động đất hay siêu bão. Cầu có một đoạn chui xuống biển dài 6,7 km, với lối lên xây dựng ở hai hòn đảo nhân tạo.
Cây cầu dài 55km rút ngắn thời gian di chuyển từ Hong Kong đến Chu Hải, từ ba tiếng xuống còn 30 phút.
Cây cầu được cho là sẽ gây ảnh hưởng đến quần thể cá heo trắng có nguy cơ tuyệt chủng, đang sinh sống trong khu vực. Các sinh vật biển cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nỗ lực cải tạo đất đai khổng lồ ở Hong Kong và các thành phố khác.
Để xây dựng một công trình quy mô tầm cỡ thế giới, nhiều công nhân đã chết hoặc bị thương, đặt ra vấn đề về an toàn lao động. Một số người gọi đây là dự án "máu và nước mắt" của Hong Kong.
Bên cạnh đó, cây cầu hiện chỉ mở cửa từ 7 giờ tới 18 giờ chiều, giới hạn cho xe cá nhân có giấy phép mới được lưu thông. "Một khoản đầu tư khổng lồ bằng cách sử dụng tiền đóng thuế của người dân nhưng về cơ bản chúng ta chẳng được lợi ích gì", một người Hong Kong nói.
Ngược lại, người Trung Quốc đại lục coi đây là bước tiến giúp phát triển kinh tế ở Chu Hải và niềm tự hào quốc gia. Chu Hải là thành phố ở phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
"Tôi nghĩ cây cầu này sẽ mang lại tiện lợi lớn cho toàn bộ khu vực Chu Hải, Hong Kong và Ma Cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế ", một người tên Dang Zheiliang ở Chu Hải nói.
Cư dân Luo Fengzhi thì cho rằng đây là bằng chứng về sự phát triển kinh tế và kỹ thuật của Trung Quốc. “Đối với người Trung Quốc, đây là thứ mà họ có thể cảm thấy tự hào. Mọi người Trung Quốc và người nước ngoài hãy đến và chiêm ngưỡng công trình tầm cỡ thế giới này”.
Cây cầu “đáng sợ“ nhất thế giới đã mở cửa tại Trung Quốc, kết nối thành phố Hong Kong và Ma Cao.