Dân Việt

Giết nhà báo Khashoggi: "Vụ che đậy tồi nhất lịch sử"

Phương Đăng 24/10/2018 09:35 GMT+7
Mỹ vừa tuyên bố đang thu hồi thị thực của 21 quan chức Ả Rập Saudi liên quan tới việc sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong khi Tổng thống Donald Trump gay gắt lên án cái chết của ông Khashoggi là "vụ che đậy tồi nhất lịch sử".

img

Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi đã dấy lên phản ứng giận dữ từ cộng đồng quốc tế.

Vụ sát hại được lên kế hoạch trước

Theo Reuters, phát biểu trong cuộc họp tại phòng Bầu dục với một số thành viên của Quốc hội, Tổng thống Trump gọi vụ sát hại nhà báo Khashoggi là "ý tưởng tồi tệ" đáng lẽ không bao giờ nên nghĩ tới".

“Họ có ý tưởng rất tồi ngay từ đầu. Nó được thực hiện một cách kém cỏi và sau đó là vụ che đậy tồi nhất lịch sử. Ai đó đã phạm sai lầm nghiêm trọng và tôi nghĩ người đó đang gặp vấn đề rất lớn", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu.

Khi được hỏi liệu ông có tin lời giải thích của Ả Rập Saudi về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, Tổng thống Trump cho biết, ông muốn "thấy mọi sự thật trước khi kết luận”.

"Tôi nghĩ tôi sẽ biết sự thật trong thời gian ngắn sắp tới. Tôi muốn xem xét sự thật trước”, ông Trump nói và không quên nhấn mạnh thêm rằng Ả Rập Saudi là “một đồng minh tuyệt vời” của Mỹ đồng thời cũng là “một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Mỹ”.

Những tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiết lộ những “sự thật trần trụi" về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul trong bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội hôm 23.10.

Ông Erdogan bác bỏ giải thích của Arab Saudi rằng cái chết của nhà báo Khashoggi kết quả của một cuộc tranh luận căng thẳng dẫn tới ẩu đả và là sự việc ngoài mong muốn. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng đây là “một vụ giết người dã man” đã được lên kế hoạch từ trước.

Theo tiết lộ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, có hai nhóm bao gồm một số quan chức an ninh, tình báo tham gia vụ giết người, trong đó một nhóm gồm 9 người bay từ Ả Rập Saudi tới Istanbul hôm 2.10.

Họ đã được thông báo việc nhà báo Khashoggi sẽ tới lãnh sự quán một ngày trước đó. Các camera ở lãnh sự quán cũng được gỡ bỏ vào ngày này. Có tin các phần thi thể của nhà báo xấu số đã được tìm thấy trong nhà lãnh sự Ả Rập Saudi cách lãnh sự quán nước này khoảng 500 m.

Ả Rập Saudi hứng đòn trừng phạt đầu tiên của Mỹ

Trong khi sóng gió dư luận đang bủa vây Ả Rập Saudi sau cái chết của nhà báo Khashoggi, Mỹ  - đồng minh ruột của Riyadh tuyên bố thu hồi thị thực của 21 quan chức nước này liên quan tới vụ việc đồng thời đe dọa sẽ có những động thái trừng phạt tiếp theo.

"Hình phạt đó không phải là động thái cuối cùng từ phía Mỹ trong vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp bổ sung nhằm khiến họ phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang thể hiện rất rõ rằng Mỹ không khoan dung cho hành động khiến ông Khashoggi im lặng thông qua bạo lực", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố.

Ông Pompeo nói thêm rằng, 21 người là thành viên của "các cơ quan tình báo, tòa án hoàng gia, bộ ngoại giao và các bộ khác ở Arab Saudi", đồng thời tiết lộ Washington đã "xác định được ít nhất một vài cá nhân" đứng sau cái chết của nhà báo 60 tuổi.

Mỹ cũng đang xem xét việc áp dụng Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu, hay còn gọi là luật Magnitsky, nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt về tài chính đối với thủ phạm sát hại Khashoggi. 

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng phản ứng dứt khoát, khẳng định rằng chính quyền Trump sẽ đáp trả thích hợp đối với cái chết của nhà báo Khashoggi. 

Việc thu hồi visa được cho chỉ là biện pháp trừng phạt đầu tiên Washington nhắm vào Riyadh sau khi nhà báo Khashoggi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục đăng ký kết hôn và mất tích ngày 2.10.

Nhà báo Khashoggi, người thường xuyên chỉ trích chính quyền Ả Rập Saudi chuyển tới Mỹ sống lưu vong vào năm ngoái do lo sợ bị Riyadh trả thù.