Dân Việt

Vụ phá rừng phòng hộ: Chính quyền vào cuộc đá quý vẫn “bốc hơi”

Ngô Hùng 25/10/2018 10:42 GMT+7
Sau phản ánh của Dân Việt liên quan đến việc phá rừng phòng hộ để khai thác đá quý diễn ra ở thôn Tân Hồi, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, ngay lập tức các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Tuy nhiên, điều lạ lùng là, đá quý vẫn bị “bốc hơi” như không có sự quản lý của các cơ quan chức năng ở đây.

Từ thông tin của bạn đọc, trong nhiều ngày đầu và giữa tháng 10.2018, phóng viên Dân Việt đã có mặt tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn để ghi nhận về việc phá rừng phòng hộ và ruộng nương của người dân để khai thác đá quý.

img

Rừng phòng hộ bị đào bới để khai thác đá quý. Ảnh Ngô Hùng

Cụ thể, từ nhà văn hóa thôn Tân Hồi, xã Kim Thượng, qua một con suối, một con đường đã được mở để đi lên đồi suối Côm, vi phạm vào rừng phòng hộ. Thêm nữa, một khu đất rộng lớn đã được san gạt, cây cối đổ ngã, cạnh đó là những viên đá với nhiều màu sắc được để gọn gẽ, nhìn qua đã thấy giá trị kinh tế rất lớn.

Không chỉ có rừng phòng hộ bị phá tanh bành để khai thác đá, ngay cả ruộng nương của người dân cũng bị cày xới tơi bời để móc lên những viên đá có giá trị.

Được biết, trong nhiều tháng nay, một nhóm người lạ mặt, được cho là “dân xã hội”, xăm trổ, bặm trợn mang máy móc đến đây tự ý mở đường vào rừng phòng hộ để khai thác đá quý. 

img

Sau đó đá được tập kết tại khu vực nhà văn hóa Tân Hồi, xã Kim Thượng. Ảnh Ngô Hùng

Có mặt tại khu Tân Hồi, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, theo vết xe máy múc, chạy ngược theo con suối Óng, chúng tôi chứng kiến cảnh đào bới nham nhở và quần nát cả một khu ruộng đang vào mùa thu hoạch mà xót xa thay cho người dân nơi đây. Tiến sâu vào hiện hiện khu khai thác, một máy múc to khổng lồ vẫn miệt mài gạt đất, khoét sâu xuống khu ruộng để moi đá. Những viên đá xanh lét được lộ thiên đã sẵn sàng chờ phương tiện chở đi.

Ông Bàn Văn Dậu, người dân tộc Dao, chủ nhân của thửa ruộng ở khu Tân Hồi, xã Kim Thượng cho hay, thời gian gần đây một số người ở địa phương khác đã đến gia đình đặt vấn đề xin san đồi (hạ cốt nền) với lời hứa sẽ trả 10 triệu đồng/tháng (dự tính trong vòng 8 tháng). Mọi thủ tục giấy tờ những người này lo hết nên gia đình đồng ý cho làm.

img

Ruộng nương của người dân cũng bị đào xới để khai thác đá. Ảnh Ngô Hùng

Ngay sau khi Dân Việt phản ánh, các cơ quan chức năng của huyện Tân Sơn đã nhanh chóng vào cuộc xác minh.

Theo đó, ngày 18.10.2018, UBND huyện Tân Sơn có văn bản số 941/UBND-TNMT về việc kiểm tra, xử lý hoạt động san gạt, hạ cốt nền khu Tân Hồi, xã Kim Thượng.

Công văn này yêu cầu rõ, Phòng Tài nguyên Môi trường, Công an huyện và UBND xã Kim Thượng phải có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý đất đai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa các hành vi thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn. Điều tra, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

img

Văn bản của UBND huyện Tân Sơn yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý. Ảnh Ngô Hùng

Đến ngày 19.10.2018, UBND huyện Tân Sơn có văn bản số 207/BC-UBND, báo cáo tỉnh ủy và UBND tỉnh Phú Thọ.

Địa phương này xác nhận có việc san gạt, đào sâu vào rừng phòng hộ với diện tích khoảng 500 m2. Tại đây, các đơn vị cũng phát hiện có 70m3 đá màu xanh, hồng (nghi khoáng sản) được tập kết tại hiện trường và tại khu nhà văn hóa khu Tân Hồi, xã Kim Thượng.

Ngoài ra, tại khu vực đồi suối Óng, các đối tượng đã sử dụng 1 máy xúc hiệu HITACHI ZAXI 350H tiến hành san gạt, múc bùn đất diện tích khoảng 250m2. Kiểm tra khu vực xung quanh tại dòng suối Óng, cách vị trí san gạt khoảng 30m phát hiện 1tảng đá màu xanh (nghi khoảng sản)

Trước tình hình trên, UBND huyện Tân Sơn yêu cầu các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm quản lý số lượng đá trên, không cho phép các đối tượng tiếp tục khai thác, vận chuyển ra ngoài khu vực.

Tuy nhiên, trái ngược với báo cáo trên, theo ghi nhận của phóng viên, một lượng lớn đá quý, sau khi đã được giao cho các cơ quan chức năng quản lý bỗng nhiên bị “bốc hơi”.

img

Đống đá lớn tập kết tại suối Óng, nay đã bị chuyển đi chỉ còn lại 1 tảng. Ảnh Ngô Hùng

Cụ thể, hình ảnh, clip mà chúng tôi ghi nhận trước đó, một đống đá lớn được tập kết ở khu vực nhà văn hóa Tân Hồi, nay đã bị chuyển đi mất khoảng 2/3. Còn tại lòng suối Óng, một số lượng đá khá lớn cũng đã được chuyển đi, giờ chỉ còn lại 1 tảng (theo báo cáo).

UBND tỉnh Phú Thọ, huyện Tân Sơn và các cơ quan liên quan cần kiểm tra, xử lý dứt điểm việc lợi dụng san gạt để khai thác đá trái phép. Cần làm rõ và xử lý nghiêm nhóm “đá tặc” là ai?

Ai là người bảo kê cho nhóm “đá tặc” này lộng hành, nhằm tránh tình trạng thất thoát tài nguyên và nguy cơ làm ảnh hưởng đến cả khu rừng phòng hộ cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại địa phương. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể liên quan đến việc tang vật của việc khai thác lậu bỗng nhiên bị “bốc hơi”.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.