Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Getty.
Theo Bloomberg, Tổng thống Erdogan có lý do để giữ lại một phần sự thật cho bản thân, nhất là khi ông có thể là người duy nhất biết rõ Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (MBS) dính líu bao nhiêu phần tới vụ việc.
Trước hết, cần phải nhìn vào bản chất mối quan hệ giữa bộ ba Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ - Ả Rập Saudi. Ankara hiểu rằng địch thủ lâu dài Riyadh là đối tác rất thân thiết với Washington và bản thân quốc gia này cũng cần giữ gìn mối quan hệ với Mỹ.
Chính vì thế, dù rất muốn hạ bệ Thái tử MBS, ông Erdogan vẫn phải cẩn thận, không mạo hiểm, “quá tay” trong vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi. Vừa mới đây, Tổng thống Donald Trump đã trực tiếp gửi hẳn Giám đốc CIA Gina Haspel tới Thổ Nhĩ Kỳ: ngoài mặt là để thu thập thông tin chi tiết liên quan vụ việc còn bên trong là để “nhắc nhở” nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Với Washington, chỉ cần một tiết lộ quá mức cần thiết từ ông Erdogan, việc cân bằng giữa bảo vệ các giá trị mà Mỹ đang truyền bá khắp toàn cầu và bảo vệ lợi ích Mỹ tại Ả Rập Saudi sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang coi đây là một dịp không thể tốt hơn để “vòi” những khoản đầu tư tài chính lãi suất thấp từ Ả Rập Saudi, đổi lại Ankara sẽ giữ thể diện cho Riyadh. Thế nhưng, trong suốt vài tuần qua, hoàng gia Ả Rập Saudi đã không khỏi nóng mặt trước các thông tin rò rỉ từ chính quyền Tổng thống Erdogan. Do đo, nếu muốn tiền vẫn về và không bị Ả Rập Saudi trả đũa sau những động thái gây xấu mặt vừa qua, Ankara còn cần Washington hỗ trợ.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, lý do quan trọng nhất mà ông Erdogan theo đuổi chính là phục hồi vị thế của bản thân cũng như của đất nước trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Sau cuộc đảo chính bất thành nhằm vào bản thân hồi tháng 7.2016, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường trấn áp các thành phần chính trị đối lập, tập trung quyền lực gần như tuyệt đối vào tay. Bên cạnh đó, Erdogan cũng từ bỏ bỏ hệ thống chính trị dân chủ, thể chế hóa và chuyển qua một hệ thống mang tính tập trung quyền lực cá nhân hơn. Chính vì vậy, trong con mắt của cộng đồng quốc tế, Recep Tayyip Erdogan trở thành một nhà lãnh đạo độc tài.
Giữa lúc hình ảnh quốc tế đang trở nên xấu xí, sự kiện nhà báo Jamal Khashoggi chết trong Lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul lập tức trở thành “phao cứu sinh” – cơ hội để Ankara thể hiện mình là một chính phủ, một quốc gia có trách nhiệm.
Với cương vị là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan chắc chắn thừa sự lão luyện chính trị để hiểu rằng đi quá trớn trong vụ việc Khashoggi sẽ chỉ mang lại thiệt thòi cho tất cả các bên. Thay vào đó, kiềm chế một chút để vừa bảo vệ bộ mặt cho Thái tử MBS và Tổng thống Trump, vừa bảo vệ cho lợi ích của bản thân đang là lựa chọn hợp lý nhất cho người đứng đầu Ankara lúc này.
Không cần phải công bố hết sự thật, chỉ những thông tin, chi tiết của hiện tại đã là quá đủ để làm suy yếu vị thế của Thái tử MBS nói riêng và uy tín của Ả Rập Saudi nói chung, giúp Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế hơn trong khu vực.