GAS, PVD nằm sàn, VnIndex giảm gần 17 điểm
Phiên giao dịch ngày 24.10 trên TTCK Việt Nam diễn ra không thực sự tích cực với áp lực bán dồn dập trên toàn thị trường.
Khác với phiên giao dịch chiều 23.10, lực cầu bắt đáy trong phiên giao dịch ngày 24.10 không đủ mạnh, trong khi bên nắm giữ cổ phiếu lại tỏ ra mất bình tĩnh, nên ồ ạt bán ra vào cuối phiên, đẩy VnIndex lao mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24.10, VnIndex giảm 16,95 điểm (1,8%) xuống 922,73 điểm. Còn HNX-Index giảm 0,93 điểm (0,88%) xuống 104,14 điểm.
Trên sàn HOSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp, khối lượng bán ròng đạt 652.670 cổ phiếu. Như vậy, sau 4 phiên giao dịch vừa qua, khối ngoại sàn này đã bán ròng tổng cộng 479 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24.10, VnIndex giảm 16,95 điểm (1,8%) xuống 922,73 điểm (Ảnh: I.T)
Hôm nay, toàn bộ 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường trên sàn HOSE đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó giảm mạnh nhất là GAS khi đóng cửa ở mức sàn 101.800 đồng, BID dù thoát mức sàn, nhưng cũng giảm tới 6,59%, xuống mức thấp nhất ngày 32.600 đồng với 2,2 triệu đơn vị được khớp. Tiếp đến là TCB giảm 4,68%, xuống 26.500 đồng, MSN giảm 3,23%, xuống 75.000 đồng, VHM giảm 2,16% xuống 72.500 đồng, CTG giảm 1,9%, xuống 23.200 đồng. Các mã còn lại giảm dưới 1%.
Trong nhóm dầu khí, PVD cũng đóng cửa ở mức sàn với gần 4 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán giá sàn hơn nửa triệu đơn vị. PLX dù không giảm sàn, nhưng cũng mất 3,79%, xuống 55.800 đồng.
Trong nhóm bluechip, ngoại trừ NVL tăng tốt 2,82%, lên 72.900 đồng, BVH tăng 1,09%, lên 93.000 đồng, STB, TPB, BHN và KDH hồi phục nhẹ, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Các mã giảm mạnh ngoài PLX còn có PNJ giảm 3,03%, xuống 96.000 đồng, VRE giảm 2,16%, xuống 36.200 đồng, HDB giảm 2,78%, xuống 35.000 đồng, VPB giảm 2,85%, xuống 22.150 đồng, SSI giảm 2,41%, xuống 28.300 đồng…
Sau phiên giao dịch hôm nay, tài sản chứng khoán của các tỷ phú USD Việt Nam lại tiếp tục sụt giảm. Trong khi tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 144,79 tỷ đồng (0,2%) xuống còn 71.528,15 tỷ đồng thì tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục nối dài chuỗi giảm sâu sau khi giảm thêm 69 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 24.10.
Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long cũng đã xuống dưới mốc 15.000 tỷ sau khi giảm 114,47 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay.
Techcombank lãi lớn, ông Hồ Hùng Anh vẫn “mất” 100 tỷ đồng
Ông Hồ Hùng Anh hiện đang sở hữu hơn 39 triệu cổ phiếu TCB của Techcombank. (Ảnh: I.T)
Trái ngược với đà giảm của cổ phiếu TCB trên TTCK Việt Nam, hoạt động kinh doanh Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – TCB) của ông Hồ Hùng Anh trong quý III.2018 vẫn khá thuận lợi.
Đến cuối tháng 9.2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 311.796 tỷ đồng, tăng 15,7% so với đầu năm. Đáng chú ý, dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý 3 mới chỉ tăng 3,3% lên 164.282 tỷ đồng. So với thời điểm cuối quý II thì cho vay khách hàng gần như không thay đổi, chỉ tăng nhẹ 101 tỷ.
Trong khi đó, Techcombank gia tăng hoạt động trên thị trường liên ngân hàng, khi gửi tiền tại các TCTD khác tăng 71% so với đầu năm lên 27.667 tỷ đồng. Cho vay các TCTD cũng tăng 16% lên 16.070 tỷ đồng.
Huy động tiền gửi của khách hàng đến cuối quý 3 đạt 193.583 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.
Tín dụng gần như không tăng trưởng nhưng thu nhập lãi thuần của Techcombank trong quý III lại tăng tới 52% đạt 3.117 tỷ đồng. Cùng với đó, hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh 45% đạt 932 tỷ.
Tổng thu nhập hoạt động trong quý III đạt 4.635 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ nhưng chi phí hoạt động lại chỉ tăng nhẹ 8% lên 1.315 tỷ. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 3.320 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro trong quý III của Techcombank tăng khá mạnh từ 157 tỷ lên 743 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế trong quý III của ngân hàng đạt 2.578 tỷ, tăng 22% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 7.774 tỷ, tăng 61% so với cùng kỳ. Hầu hết các mảng kinh doanh đều có tăng trưởng dương và khá đồng đều: thu nhập lãi thuần tăng 26% đạt 8.168 tỷ, hoạt động dịch vụ tăng 25% đạt 2.113 tỷ, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 22% đạt 247 tỷ.
Cuối tháng 9, nợ xấu tại Techcombank của ông Hồ Hùng Anh là 3.429 tỷ đồng, tăng 845 tỷ so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,61% cuối năm 2017 lên 2,05% trên dư nợ cho vay khách hàng.
Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu hơn 39 triệu cổ phiếu Techcombank. Vợ con và mẹ ông Hùng Anh mỗi người nắm giữ một hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương mỗi người khoảng 5%. Em gái của ông Hùng Anh sở hữu gần 115 triệu TCB; con trai sở hữu hơn 93 triệu.
Tổng cộng. nhóm đầu tư nhà ông Hồ Hùng Anh nắm giữ gần 600 triệu cổ phiếu TCB trên tổng cộng khoảng 3,57 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương gần 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank.
Với lợi nhuận lớn như trên, gia đình ông Hồ Hùng Anh sẽ thu về tiền ngàn tỷ trong năm 2018. Tuy nhiên, sau 3 phiên liên tiếp giảm, cổ phiếu TCB mất 2.500 đồng/cổ phiếu, tài sản chứng khoán của gia đình ông Hồ Hùng Anh "bốc hơi 1.380 tỷ đồng.