Dân Việt

Quyết sách mạo hiểm của Donald Trump

Lư Phổ Ân 25/10/2018 13:30 GMT+7
Với quyết sách này, ông Trump có thể có được tác động dân tuý như mong đợi phục vụ cho đối nội, đặc biệt cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ. Nhưng về đối ngoại và an ninh thì quyết sách ấy thật mạo hiểm.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Từ cách tiếp cận, hiểu và vận dụng khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump thì việc người này chủ định rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) không có gì là bất ngờ. Nếu như lại còn cho rằng ông Trump bị thuyết phục bởi tư vấn của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton thì quyết sách nói trên của ông Trump thậm chí còn lô gic.

Ngay từ năm 2011, trước khi trở thành cộng sự của ông Trump rất lâu, ông Bolton đã cho rằng INF xấu chứ không tốt, hại chứ không lợi đối với nước Mỹ và cổ suý cho việc rút nước Mỹ ra khỏi hiệp ước này. Khi ấy, chính giới Mỹ chưa cáo buộc Nga vi phạm INF. Biện luận của ông Bolton chủ yếu là trật tự thế giới đã trở nên đa cực trong khi INF vừa là sản phẩm vừa là hiện thân của trật tự thế giới hai cực và Mỹ và Nga không còn là hai quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu tên lửa hạt nhân tầm trung - đối tượng bị chế tài bởi INF, cho nên nó đã bị "lỗi thời". Theo ông Bolton, ít nhất một phần ba đến một nửa kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là tên lửa hạt nhân tầm trung. Vì ông Trump chủ trương đưa nước Mỹ ra khỏi những thoả thuận, thể chế và tổ chức đa phương quốc tế bị cho rằng chỉ lợi ít hại nhiều đối với Mỹ nên từ khi ông Bolton về đầu quân cho ông Trump, hai người này tạp thành cặp bài trùng trong chuyện này. Số phận của INF vì thế được định liệu.

Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF nên ra khỏi INF nhưng lại không đưa ra được bằng chứng cụ thể là Nga tiếp tục chế tạo tên lửa hạt nhân tầm trung. Trong khi đó, những cáo buộc của Nga về việc Mỹ vi phạm INF lại rõ ràng, cho dù có phần hơi khiên cưỡng. Quyết sách này của phía Mỹ bộc lộ tính thực dụng và dân tuý trong hoạch định và thực thi chính sách cầm quyền của ông Trump. Ý tưởng và mục tiêu của INF là cấm sở hữu và sử dụng tên lửa hạt nhân tầm trung phóng từ mặt đất. Từ giác độ này mà suy xét thì cái đúng và cần thiết của INF khi xưa bây giờ không còn đầy đủ được nũa. Khi xưa, INF là kết quả của quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, chế tài loại tên lửa hạt nhân tầm trung của hai nước này. Bây giờ, không chỉ mỗi hai nước ấy mà còn thêm cả một số nước khác nữa đã sở hữu và chế tạo vũ khí hạt nhân, trong đó có tên lửa hạt nhân tầm trung.

INF ràng buộc Mỹ và Nga vào cam kết giải trừ và kiểm soát tên lửa hạt nhân tầm trung trong khi vũ khí hạt nhân của những nước kia lại không bị quản thúc và quản lý bởi thoả thuận giải trừ vũ khí hạt nhân nào cả. Răn đe hạt nhân giúp Mỹ có thể tin rằng không bị Nga tấn công hạt nhân nhưng Mỹ không thể loại trừ khả năng bị đối tác khác đe doạ hạt nhân. Ra khỏi INF vì thế được chính quyền của ông Trump lựa chọn để tự goải thoát khỏi những gông xiềng của luật pháp quốc tế nhằm tăng cường vũ trang hạt nhân và nếu có đi vào giải trừ quân bị thì ép buộc tất cả các đối tác khác chứ không chỉ có Nga tham gia. Vì thế, ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi INF không phải để đàm phán lại với Nga về INF mà để tăng cường tiềm lực vũ khí hạt nhân. Đàm phán lại với Nga về INF đã khó khả thi, đàm phán với tất cả các nước khác có hoặc được cho là có vũ khí hạt nhân lại càng khó khả thi, nếu như không muốn nói là không thể khả thi đối với Mỹ trong tương lai.

Với quyết sách này, ông Trump có thể có được tác động dân tuý như mong đợi phục vụ cho đối nội, đặc biệt cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ. Nhưng về đối ngoại và an ninh thì quyết sách ấy thật mạo hiểm. Nó rất có thể sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới trên thế giới mà giờ không còn chỉ có riêng giữa Mỹ và Nga nữa. Nó sẽ làm cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên thêm phức tạp và khó khăn, đồng thời chắc chắn Mỹ sẽ phải trả cái giá đắt hơn trước nhiều. Dù có biện luận kiểu gì thì Mỹ vẫn bị thế giới coi là thủ phạm khiến cho INF bị huỷ hoại. Mối quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc nhưng cả với những đồng minh quân sự và đối tác chiến lược của Mỹ ở châu Âu, trong EU và Nato đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Mỹ có thể giải quyết được một vấn đề trước mắt nhưng rồi sẽ phải trực diện với nhiều vấn đề khó khăn phức tạp khác về lâu dài, không chỉ với một mình Nga mà còn với nhiều đối tác khác nữa trên thế giới. Lợi hay hại, tác dụng hay phản tác dụng bởi quyết sách này rồi đây sẽ nhanh chóng bộc lộ đối với Mỹ.