Dân Việt

Bình Phước: Hỗ trợ nông dân làm xanh lại "cây tỷ đô"

Lê Quang 27/10/2018 08:30 GMT+7
Nhằm ổn định diện tích cây điều theo hướng thâm canh, Hội Nông dân Bình Phước đã có nhiều chương trình, dự án giúp nông dân cải tạo vườn già cỗi, năng suất thấp bằng các giống mới cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng... Mới đây nhất, hội triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh cải tạo vườn điều-loài cây được mệnh danh là cây tỷ đô...

Hành động từ nhu cầu thiết thực

Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ điều của cả nước. Chính phủ, Bộ NNPTNT cũng đã quy hoạch đến năm 2020, đây sẽ là vùng nguyên liệu điều chính với diện tích 181.000ha. Theo Sở NNPTNT Bình Phước, hiện toàn tỉnh có diện tích trồng điều 134.350ha, trong đó điều đang cho sản phẩm 131.621ha với năng suất trung bình các năm ước đạt 14,5 tạ/ha.

img

Nông dân trồng điều tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng điều do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tổ chức theo chương trình dự án. Ảnh: Trần Khánh

"Cần có thêm nhiều mô hình như thế này nữa, bà con nông dân sẽ được hỗ trợ tốt hơn, ổn định được diện tích cây điều, tránh tình trạng chặt bỏ, thay đổi cây trồng liên tục khi nông sản rớt giá, canh tác không ổn định, đời sống lại thêm khó khăn”.

Bà Bùi Thị Nhâm - 
Chủ tịch Hội ND xã Tân Phước

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một phần diện tích khá lớn điều được trồng bằng các giống tạp; năng suất, chất lượng không cao hoặc không hiệu quả. Theo thống kê của Sở NNPTNT, hiện có khoảng 33.000ha điều trồng và chăm sóc theo hình thức quảng canh, không đầu tư chăm sóc. Những vườn thuộc diện này chủ yếu là của đồng bào dân tộc thiểu số và khoảng 30% diện tích già cỗi (trên 25 năm tuổi) cây phát triển kém, cần được cải tạo.

Nhằm khắc phục tình trạng này, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong cải tạo vườn điều tại xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước theo hướng an toàn sinh học”. Dự án nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để giúp hội viên nông dân thay thế vườn tạp, vườn cây lâu năm già cỗi, giống cũ năng suất thấp, đồng thời ứng dụng các chế phẩm vi sinh theo hướng an toàn sinh học, phù hợp với chiến lược phát triển của địa phương; qua đó nâng cao thu nhập cho người trồng điều, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, dự án đặt mục tiêu bước đầu xây dựng 60ha mô hình thay thế vườn tạp, già cỗi  bằng giống điều PN1 cho vườn của một số hội viên nông dân trên địa bàn xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tiêu chí đưa ra là 5ha/mô hình. Như vậy, đợt này dự án sẽ hỗ trợ cho 12 hộ trực tiếp tham gia dự án, giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động trực tiếp và khoảng 60 công lao động thời vụ với thu nhập hàng tháng trên 4 triệu đồng.

Nhà nông hào hứng

Qua hoạt động tập huấn, hội thảo được tổ chức thời gian qua, dự án đã giúp cho người nông dân thấy được ưu điểm của việc cải tạo vườn điều, đặc biệt là việc thay thế các vườn già cỗi bằng việc sử dụng giống điều năng suất cao, phù hợp với địa phương.

Ông Đỗ Văn Việt (ngụ ấp Sắc Xi, xã Tân Phước) là một trong những hộ được chọn để triển khai mô hình lần này. Ông Việt phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 10ha điều. Qua tham gia các lớp tập huấn của dự án, tôi được các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật truyền nhiều kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cây điều. Những kiến thức rất thực tế, đặc biệt là việc ứng dụng vi sinh để cải tạo đất, thay giống điều cũ năng suất thấp bằng giống mới tốt hơn. Trước mắt tôi sẽ tập trung làm tốt cho 5ha điều được dự án hỗ trợ, sau đó sẽ nhân rộng cho phần diện tích còn lại”.

Cũng là một hộ trồng điều lâu năm tại ấp Sắc Xi, ông Nguyễn Văn Trạng cho hay: “Thực tế vườn điều nhà tôi đã khá già cỗi, năng suất không cao, tôi cũng không có kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Cụ thể như năm 2016, vườn điều nhà tôi gần như mất trắng do bị sâu bệnh, rụng bông. Đợt này tham gia dự án ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong cải tạo vườn điều, tôi được hỗ trợ giống, kỹ thuật mới, nhất là các loại phân bón vi sinh, lại được các chuyên gia hướng dẫn... Do vậy, tôi cũng mạnh dạn tái canh hết cả vườn điều để thời gian tới năng suất tốt hơn, cải thiện thu nhập”.

Theo bà Bùi Thị Nhâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước - địa phương được chọn để thực hiện dự án đánh giá, đây là một dự án cần thiết và kịp thời, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Khi triển khai dự án về cho bà con hội viên trong xã, mọi người rất phấn khởi vì được hỗ trợ cây giống, phân bón vi sinh, nhất là có các chuyên gia nhiều kinh nghiệm đến hướng dẫn tận tay cho bà con. Điểm đặc biệt nữa là dự án này cũng hướng đến việc liên kết, bao tiêu sản phẩm cho bà con nên người trồng điều không còn lo bị thương lái ép giá.