Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 lãnh đạo cao cấp vừa được công bố ở Quốc hội chiều nay (25.10).
Theo quy định Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”
Theo đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đạt 339 tín nhiệm cao: 122 tín nhiệm và chỉ có 11 tín nhiệm thấp. Với kết quả này, Thống đốc Lê Minh Hưng đứng trong top 5 thành viên Chính phủ có phiếu tín nhiệm cao và đứng thứ 10/48.
Sinh năm 1970, ông Hưng là vị Thống đốc trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam và là thành viên Chính phủ trẻ nhất thời điểm Quốc hội bổ nhiệm năm 2016.
Ngồi "ghế nóng" từ 4.2016 đến nay, Thống đốc Lê Minh Hưng ghi nhiều dấu ấn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Thống đốc Lê Minh Hưng trình bày báo cáo tại Quốc hội
Trong điều hành tỷ giá, với cương vị là người đứng đầu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng được đánh giá là “thành công” trong ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Theo đánh giá của chuyên gia, tỷ giá và thị trường ngoại hối kể từ năm 2016 trở lại đây cũng là giai đoạn ông Lê Minh Hưng làm Thống đốc được điều hành nhịp nhàng và công cụ điều hành cũng mang tính thị trường hơn.
Đặc biệt, từ đầu năm tới nay, diễn biến kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất USD, thế nhưng tỷ giá VND/USD vẫn có sự ổn định.
Để làm được điều này, Thống đốc Lê Minh Hưng đã điều hành chính sách theo hướng chủ động, kịp thời điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt; phối hợp đồng bộ với các biện pháp khác như điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý; thực hiện các biện pháp thông tin, truyền thông; bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường. Ngoài ra, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Đến nay, dự trữ ngoại hối nhà nước đạt hơn 60 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Với dự trữ trên 60 tỷ USD hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể can thiệp mạnh để ổn định tỷ giá. Động thái điều chỉnh tỷ giá USD/VND vừa qua của NHNN là dựa theo tín hiệu thị trường và căn cứ vào những tác động từ bên ngoài.
Còn trong điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng đã bảo vệ thành công Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu trước Quốc hội.
“Đứng trên giác độ của quản lý Nhà nước và phải chịu trách nhiệm về hệ thống ngân hàng thì thành công lớn nhất là được Quốc Hội thông qua Nghị quyết 42 để đưa ra một khung khổ pháp lý đặc thù trong xử lý nợ xấu. Đây là một hành động chưa có tiền lệ mặc dù chưa đúng như kế hoạch ban đầu của NHNN”, một chuyên gia nhận định.
Quan trọng hơn, với vai trò là người đứng đầu NHNN, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã cho toàn xã hội hiểu, các cấp khác nhau cũng hiểu vai trò của xử lý nợ xấu, vai trò của Nghị quyết 42 trong công tác xử lý nợ xấu để từ đó không còn tư duy “xử lý nợ xấu” chỉ là việc của ngành ngân hàng mà của toàn xã hội. Khách hàng ý thức hơn trong việc trả nợ, các NHTM chủ động hơn trong xử lý nợ xấu. Các TCTD cũng hạn chế chuyển nợ sang VAMC mà tích cực xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo và sử dụng dự phòng rủi ro…
Nhờ các giải pháp tích cực từ phía ngành Ngân hàng cùng với sự phối hợp, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các Bộ, ngành trong việc triển khai Nghị quyết 42, việc xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi và xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả khả quan. Nợ xấu được kiểm soát dưới 3% như mục tiêu đề ra.
Đến cuối tháng 6.2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 164,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,09% tổng dư nợ (thấp hơn mức 2,46% năm 2016 và 2,55% năm 2015). Từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2018, toàn hệ thống xử lý được 785,93 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Từ 15.8.2017 đến 30.6.2018, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống TCTD được xử lý đạt 138,29 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả tín nhiệm ngày hôm nay đã phần nào thể hiện được sự tin tưởng đối với Thống đốc Lê Minh Hưng và hệ thống ngân hàng. Đây cũng là kết quả từ sự nỗ lực của Thống đốc Lê Minh Hưng trong thời gian qua.