Chiều 25.10, kết quả tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được công bố. Theo đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có 140 phiếu tín nhiệm cao, 194 tín nhiệm và 137 phiếu tín nhiệm thấp. Người đứng đầu ngành giáo dục nhận được nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" nhất.
Kết quả này đã phản ánh điều gì về giáo dục?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (ảnh IT).
Tiêu cực thi cử khiến người dân mất niềm tin
Những lý do khiến cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao nhất có lẽ vì những chính sách, cải cách trong giáo dục còn chưa phù hợp.
Những tiêu cực trong thi cử trong năm học 2017-2018 khiến cho nhiều người mất niềm tin vào kết quả thi. Chẳng hạn như học sinh thi được 3 điểm 10 đó có thể là năng lực thực sự của học sinh nhưng những sự vụ gian lận trong thi cử được phát hiện đã khiến cho người ta cũng nghi ngờ về kết quả đó.
Trước đây thi cử khác, nhưng giờ đây học một đằng còn thi một nẻo, không ai biết được sau này có tổ chức thi cử nữa hay không, không có lộ trình rõ ràng. Chương trình giáo dục còn đang dang dở.
Một điều nữa tôi thấy khá bất cập đó là Bộ trưởng đi hỏi ý kiến nhân dân về xây dựng chương trình giáo dục. Tại sao phải hỏi ý kiến nhân dân trong khi giáo dục có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học nghiên cứu?
Người dân bầu Bộ trưởng là với mong muốn ông có được những chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo chung để phát triển nhưng ông lại hỏi ý kiến nhân dân. Từ đó khiến Bộ trưởng mất đi niềm tin của mọi người.
T.T.Đ - Giáo viên tỉnh Hà Tĩnh.
Giáo dục chưa có những thay đổi cơ bản
Tôi nhận thấy rằng giáo dục chưa có những thay đổi cơ bản. Bộ trưởng chưa có lập trường, định hướng cụ thể cho sự phát triển của ngành Giáo dục. Tức là người ta nhìn vào chưa có sự thay đổi cơ bản cũng như không thấy được tương lai của giáo dục sẽ về đâu, sẽ đạt được cái gì, bước tiếp theo giáo dục sẽ làm gì….
Còn những thay đổi môi trường giáo dục mà chúng ta đang thấy là sự thay đổi theo xu hướng chung của xã hội chứ không phải từ chính nội lực của giáo dục. Việc thay đổi đó không phải là cơ bản mà chỉ là nhìn thấy những tồn tại nên cố gắng khắc phục những vấn đề đó.
T.A.K - Giáo viên tỉnh Lào Cai.
Chưa quan tâm nhiều đến giáo dục vùng cao
Theo tôi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục chưa quan tâm, chưa sát sao nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu vùng xa. Từ khi Bộ trưởng nhậm chức, giáo dục vùng cao không có thêm được bất cứ chính sách gì mới.
Chính sách học sinh bán trú đã có từ lâu rồi, khi GS.TS Phùng Xuân Nhạ chưa lên bộ trưởng. Ông cũng chưa kêu gọi được sự quan tâm của các bộ ngành đối với công tác giáo dục vùng cao.
Ở Việt Nam mình có một chương trình học thôi nhưng mà từ thời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhậm chức ông đã đưa vào áp dụng nhiều mô hình như VNEN, mô hình giáo dục công nghệ… điều này là rất tốt.
Tuy nhiên, mô hình này chỉ phù hợp với những học sinh ở thành phố, ở trung tâm còn với học sinh vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn còn quá nhiều bất cập. Điều này đã được nhìn thấy từ thực tế và đã được báo chí phản ánh rất nhiều.
Thực thế cho thấy, giáo viên cũng không dám nói thật về sự bất cập này. Bởi vì, nếu giáo viên nói đúng thực trạng của mô hình này sẽ bị phê bình mà nói tốt lại làm khổ chính giáo viên. Vì vậy, hiệu quả của mô hình này không cao.
Giáo viên, cán bộ vùng sâu vùng xa chưa có chính sách đãi ngộ tốt trong khi người ta làm cả tuần, cả tháng, cả năm học ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Bên cạnh đó, công tác luân chuyển giáo viên còn chưa triệt để.
Chẳng hạn như, có thầy, cô giáo ở nửa cuộc đời cắm bản, ở vùng khó có khi chưa được ra, có người không hẳn là xuất sắc nhưng nhờ quan hệ họ vẫn có thể ở tại vùng thấp, trung tâm.
H.V.T - Giáo viên tỉnh Lào Cai.