Dân Việt

Long An nhanh chóng giảm nghèo

Trần Đáng 26/10/2018 11:11 GMT+7
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, trong 10 năm, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Long An đã nhanh chóng giảm nghèo.

Vừa qua, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra về 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 do Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng làm trưởng đoàn, ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, 10 năm qua, tỉnh đã tập tung nguồn lực và huy động xã hội hóa thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững. Kết quả đạt được khá tích cực, đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng lên. Theo đó, năm 2008 tỉnh có 10,5% hộ nghèo, nhưng đến năm 2018 chỉ còn còn 2,92% hộ nghèo.

img

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa ở xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa, Long An).

Phát triển nhanh và đồng bộ…

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, 10 năm qua, trên cơ sở nhu cầu thị trường, lợi thế của từng vùng tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án quan trọng, như: Vùng rau an toàn, vùng lúa, thanh long chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao… làm cơ sở để tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng sản xuất và chuyển giao KH-KT cho nông dân. Đến nay, đã cơ bản hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo lợi thế của từng vùng sinh thái, phát huy lợi thế cạnh canh tranh từng loại nông sản.

Theo báo cáo Tỉnh ủy Long An, thời gian tới Long An sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh; phát triển công nghiệp, nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ.

“Tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cây, con có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường tiêu thụ, đặc biệt là triển khai thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở các huyện Đồng Tháp Mười với 20.000ha, vùng thanh long 2.000ha, vùng rau an toàn…”, ông Thiện cho biết.

Long An cũng đang nổi lên như một tỉnh hàng đầu của vùng ĐBSCL thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ. Hiện, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 77%. Tính đến tháng 5.2018, các khu công nghiệp đã thu hút được gần 1.400 dự án đầu tư, trong đó 597 dự án đầu tư nước ngoài và 762 dự án trong nước. Ngoài ra, tỉnh có 32 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 900ha, thu hút hơn 540 dự án.

img

Thu hoạch lúa tại Đồng Tháp Mười (Long An)

Theo Tỉnh ủy Long An, trong 10 năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các chính sách đầu tư, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Long An cũng là địa phương đang dẫn đầu ở ĐBSCL. Tính đến tháng 6.2018, toàn tỉnh có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 43% tổng số xã trên địa bàn). Không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH ở nông thôn phát triển nhanh và đồng bộ, như: Thủy lợi, giao thông, điện, chợ, trường học…

Khai thác lợi thế của ngõ phía Nam…

Tỉnh ủy Long An cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và thương mại, hướng đến các tiện ích, hiện đại phục vụ tốt yêu cầu phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh. Phát triển dịch vụ chất lượng cao nhằm khai thác lợi thế là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL, như: dịch vụ đô thị, dịch vụ kho vận, logistics… gắn với các giải pháp đào tạo lao động… Thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại…

Đồng thời, theo ông Thiện, tỉnh sẽ đẩy nhanh phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tận dụng, khai thác, phát huy hiệu quả đất đai, tạo giá trị gia tăng lớn cho khu vực sản xuất nông nghiệp. Về chương trình phát triển nông thôn, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tập trung phát triển hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, như: giao thông, điện… tạo tiền đề cho phát triển KT-XH và nâng cao nhanh đời sống của cư dân nông thôn.