Dân Việt

Lo thua kiện, Grab viết tâm thư “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ

Phi Long 26/10/2018 12:11 GMT+7
Trước việc bị Viện kiểm sát đề nghị bồi thường 41 tỷ đồng cho hãng taxi truyền thống Vinasun, Grab mới đây đã viết tâm thư “cầu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ.

img

Bị “thất thế” Grab “cầu cứu” Thủ tướng (Ảnh: IT)

Vinasun kiện không hẳn là vô lý

Câu chuyện của Vinasun kiện Grab taxi vẫn chưa có hồi kết nhưng đã tạo ra nhiều ý kiến tranh cãi, trong đó nhiều người cho rằng việc Vinasun kiện như thế chẳng khác gì “trâu kiện máy cày” và công nghệ “0.4 kiện 4.0”. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ kinh doanh thì cần phải tính đến các chi phí đầu vào, trong đó Vinasun có nhiều khoản chi phí đang bị thiệt thòi hơn Grab taxi.

Theo Hiệp hội taxi TP. HCM thì quy định taxi truyền thống phải tuân thủ nhiều hơn Grab cũng không phải là ít, bao gồm:  taxi truyền thống phải có mào và phải đăng ký mầu sơn; taxi truyền thống phải có đồng hồ tính tiền và phải được kiểm định định kỳ; taxi truyền thống có niên hạn ngắn hơn, có thời hạn đăng kiểm ngắn hơn; taxi truyền thống phải gắn thiết bị giám sát hành trình và gửi dữ liệu về Sở Giao thông vận tải, sở có thể trích xuất dữ liệu để xử phạt lái xe khi chạy quá tốc độ hoặc lái xe quá 4 tiếng không nghỉ; taxi truyền thống phải đăng ký giá cước với Sở Tài chính, muốn điều chỉnh giá cước phải báo trước 15 ngày, chứ không linh hoạt theo từng giây như Grab; số lượng xe taxi truyền thống bị giới hạn bởi quy hoạch của mỗi tỉnh, không thể tự do thêm bớt xe như Grab…

Ngoài ra, taxi truyền thống cũng bị cấm nhiều tuyến đường, trong khi Grab lại chạy như xe gia đình và mới đây cũng mới bị cấm như taxi nhưng cũng không dễ để cơ quan chức năng phát hiện và xử lý được xe gia đình chạy Grab taxi. Và đặc biệt, Grab taxi trước đây vẫn chưa xác định rõ được có phải là loại hình vận tải hay loại hình kinh doanh công nghệ nên các cơ quan chức năng cũng chưa đủ các chế tài quản lý.

Mặt khác, kể từ khi có mặt tại Việt Nam, Grab taxi là đơn vị kinh doanh taxi công nghệ đầu tiên, sau đó mới có đối thủ là Uber nhưng chính Grab cũng đã “thôn tính” Uber và đang bị Cục Quản lý cạnh tranh điều tra về thương vụ có dấu hiện vi phạm cạnh tranh này.

Việc liên tục đưa ra các chính sách giá giảm giá, trong khi lái xe vẫn liên tục được cộng thưởng rõ ràng có thể nhìn thấy Grab khi mới vào thị trường đã chấp nhận lỗ trước để chiếm lĩnh thị phần và chiếm luôn cả lái xe của nhiều hãng taxi truyền thống khác.

Với các dấu hiệu này, Vinasun nếu như chứng minh được Grab có dấu hiệu muốn “triệt tiêu” đối thủ cạnh tranh thì rõ ràng có thể kiện Grab taxi nhưng tất nhiêu là theo đúng trình tự về Luật cạnh tranh.

img

Các chuyên gia dự đoán, cuộc chiến giữa Vinasun với Grab sẽ kéo dài cả sau khi phiên tòa kết thúc cũng chưa có hồi kết  (Ảnh: IT)

Cả 2 đều bị quản lý chặt hơn?

Rõ ràng, Grab cũng đã nhận thấy có những điểm “yếu” nên ngay sau khi Viện kiểm sát đề nghị Grab đền bù Vinasun hơn 41 tỷ đồng và đang chờ kết luận cuối cùng thì Grab đã viết tâm thư “cầu cứu” lên Thủ tướng.

Theo thư cầu cứu được ký bởi bà Lim Yen Hock, Giám đốc Công ty TNHH Grab Việt Nam, thể hiện rõ sự lo ngại của hãng taxi công nghệ này về dự thảo Nghị định về “Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô”, thay thế Nghị định số 86/2014 của Chính phủ.

Cụ thể, Điều 3.7 quy định: “Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên”, còn Điều 3.2 quy định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải.”

Theo điều khoản này, Grab và những đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải.

Khi vào thị trường Việt Nam, Grab luôn “viện cớ” là triển khai theo Đề án 24 nhưng đề án này chỉ là “thí điểm” và đến nay đã hết thời gian thí điểm.

Trước đó, luật sư đại diện Vinasun nói Grab khẳng định chỉ tham gia kinh doanh phần mềm ứng dụng, không kinh doanh dịch vụ theo Đề án 24 nhưng trong quá trình vận hành và hoạt động, Grab đã định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá vào giờ cao điểm…

Đại diện Vinasun cho rằng, theo Đề án 24, Grab không được định giá cước, chức năng này của hợp tác xã. Đồng thời, Grab còn mua bảo hiểm tự nguyện tai nạn, điều này chỉ có ở dịch vụ kinh doanh vận tải.

Từ những phân tích trên, luật sư phía Vinasun cho rằng định danh GrabTaxi là dịch vụ kinh doanh vận tải bằng taxi hoàn toàn có căn cứ. Vị này khẳng định đây là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng Đề án 24.

Như vậy, dù kết quả của vụ việc Vinasun kiện Grab có như thế nào thì chắc chắn trong thời gian tới Grab cũng sẽ bị quản lý chặt hơn khi Bộ GTVT đưa loại hình kinh doanh của Grab vào loại hình kinh doanh vận tải. Mặt khác, với dự thảo Nghị định mới thì không chỉ Grab taxi mà ngay cả các hãng taxi truyền thống cũng bị “buộc chân” chặt hơn.