Dân Việt

Nghệ An: “Bẫy” điện giăng khắp khe suối

29/12/2011 17:57 GMT+7
(Dân Việt) - Vì không có điện lưới, bà con đã tự tìm nguồn điện cho mình bằng cách ngăn dòng chảy của khe, suối để đặt máy tua-bin phát điện. Hàng ngàn mét dây điện chằng chịt như mạng nhện từ các khe, suối vươn về từng bản làng.

Xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đến thời điểm này vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Đồng bào "vùng lõm" thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới này bao đời nay phải đối mặt với trăm bề khó khăn, thiếu thốn. Toàn xã có 850 hộ dân (đa phần là dân tộc Thái) thì 77,18% thuộc diện nghèo đói.

Chính vì không có điện lưới nên bà con đã tự tìm nguồn điện cho mình bằng cách ngăn dòng chảy của khe, suối để đặt máy tua-bin (điện cù) phát điện cho gia đình. Hàng ngàn mét dây điện gồm cả dây bọc lẫn dây trần được bắt chằng chịt như mạng nhện từ các khe, suối theo đó vươn về từng bản làng.

img
Những chiếc máy tua-bin dọc khe , suối này rất nguy hiểm.

Những dây điện như thế không những gây tai nạn cho gia súc mà còn gây ra nhiều cái chết thương tâm đối với con người. Do máy tua - bin nhà mình bị hỏng, anh Lô Ngọc Tọa (SN 1963) ở bản Xiềng, xã Bình Chuẩn đã lội xuống khe suối sửa chữa, bị điện giật chết.

Anh Vi Văn Hiếu (SN 1986) ở bản Mét, xã Bình Chuẩn khi đi vào rừng thấy dây điện trần sà xuống sát mặt đất, đã dùng cây gác lên, không ngờ bị điện giật dẫn đến chết người. Trường hợp gần đây nhất là anh Kha Văn Mùi ở bản Tông (Bình Chuẩn) cũng do lội xuống khe sửa chữa, khi vừa cho chạy thử chiếc máy tua-bin thì va phải mạch điện rò rỉ nên đã bị tử thần cướp đi tính mạng.

Anh Kha Văn Minh - Trưởng Công an xã cho biết: "Chết vì điện ở đây nhiều lắm, chết hụt cũng nhiều. Tui đêm hôm trước trên đường đi làm về, xe vướng phải dây điện thõng xuống ngang đường bị giật té ngửa ra đường. Rất may là chỉ ngất xỉu một lúc rồi tỉnh dậy"…

Sau nhiều cái chết thương tâm của bà con, chính quyền địa phương đã vận động người dân tháo gỡ những đường dây không đảm bảo an toàn và thay thế dây trần bằng dây bọc. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đến nay vẫn chưa tháo dỡ, nhiều nơi còn mắc chằng chịt trên các cọc tre, cọc gỗ chôn qua loa trên nền đất.