Dân Việt

Dự án giao thông 300 triệu USD “đầy sạn”, rút kinh nghiệm là xong?!

Vinh Hải – Di Linh 29/10/2018 15:22 GMT+7
Nhiều sai phạm được phát hiện ở dự án trên 300 triệu USD do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, nhưng Giám đốc Ban QLDA chỉ phải rút kinh nghiệm, rồi tiếp tục được tái bổ nhiệm.

Thanh tra của 2 Bộ chỉ ra nhiều sai phạm

Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) được phê duyệt đầu tư năm 2013 với tổng mức đầu tư 301,5 triệu USD (tương đương 6.305 tỷ đồng), do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 3 (Ban QLDA3) tổ chức quản lý và điều hành dự án. Dự án được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2014 – 2020.

Tuy nhiên, khi mới chỉ thực hiện dự án được 4 năm, nhiều sai phạm trong các khâu thực hiện dự án đã được cơ quan chức năng chỉ rõ.

Cụ thể, qua thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng Dự án VRAMP, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt những vi phạm đã được phát lộ trong công tác lập, phê duyệt dự toán các gói thầu xây lắp; ký hợp đồng và nghiệm thu thanh toán các gói thầu xây lắp; quản lý, sử dụng kinh phí đền phù giải phóng mặt bằng…

img

Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam được triển khai từ năm 2014. IT

Theo đó, công tác lập và phê duyệt dự toán các gói thầu xây lắp không đúng dẫn tới tổng dự toán, tăng gần 150 tỷ đồng. Trong đó hầu hết gói thầu tính tăng phụ cấp nhân công, dự phòng khối lượng. Riêng các gói thầu tính tăng dự phòng khối lượng đã chiếm tới 105 tỷ đồng/tổng số tiền dự toán tăng.

Cùng với đó, trong việc ký hợp đồng và nghiệm thu thanh toán các gói thầu xây lắp, Ban QLDA3 chưa thực hiện điều chỉnh giá theo quy định của hợp đồng đối với các gói thầu RAP/CP6, 7, 10, 11 số tiền gần 27 tỷ đồng; phê duyệt đơn giá không đúng hạng mục tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn các gói thầu RAP/CP8, 5, 9.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính cũng khẳng định, qua kiểm tra, việc quản lý, sử dụng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án, Thanh tra Bộ Tài chính nhận định, việc bố trí vốn giải phóng mặt bằng của Bộ GTVT còn thiếu; tiến độ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, có hạng mục phê duyệt đền bù lớn hơn thực tế.

Trước những sai phạm liên quan đến công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng dự án VRAMP, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị với Tổng Giám đốc Ban QLDA3 – Tổng cục đường bộ Việt Nam nghiêm túc chấn chỉnh và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra những thiếu sót, tồn tại trong việc lập thẩm định và phê duyệt dự toán các gói thầu xây lắp, cũng như ký hợp đồng và nghiệm thu thanh toán các gói thầu xây lắp.

Bên cạnh đó, phải thực hiện điều chỉnh giảm giá trị thanh toán hợp đồng các gói thầu RAP/CP6, 7, 10, 11; giảm trừ giá trị khối lượng nghiệm thu, than toán tăng không đúng số tiền…

img

Dự án nâng cấp QL48 tại Yên Bái, ảnh minh họa. 

Thanh tra Bộ GTVT cũng đã vào cuộc kiểm tra công tác quản lý dự án kể trên của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban QLDA 3. Nhiều sai phạm cũng đã được phát hiện.

Thậm chí xảy ra trường hợp nhà thầu nâng khống doanh thu để làm sai lệch kết quả đấu thầu gói thầu thuộc dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT, người ký kết luận thanh tra cũng đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Ban QLDA 3 chịu trách nhiệm để xảy ra những tồn tại trong công tác quản lý, điều hành dự án.

Rút kinh nghiệm là “huề làng”?!

Liên quan đến hàng loạt sai phạm khi thực hiện dự án VRAMP do Ban QLDA 3 làm đại diện chủ đầu tư, trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Ban QLDA 3 cho biết, bản thân ông cũng như các cá nhân có liên quan đã nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Giám đốc Ban QLDA 3 thông tin, trên cơ sở kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, liên quan đến trách nhiệm của Ban QLDA3 và và cá nhân, hình thức ở đây là kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Với những sai phạm cụ thể, theo ông Trường, ai sai ở đâu, cơ quan chức năng sẽ xử lý, đơn vị ấy phải chịu trách nhiệm. Việc thực hiện kết luận sau thanh tra, Giám đốc Ban QLDA 3 cho biết, đơn vị này vẫn phải thường xuyên báo cáo tới các cơ quan có liên quan theo quy định.

Với việc 2 nhà thầu Công ty Quản lý Đường bộ Thái Bình và Công ty Cổ phần Quản lý Đường bộ 234, khi làm hồ sơ dự thầu tại dự án VRAMP đã nâng khống doanh thu thực tế, vị giám đốc Ban QLDA 3 khẳng định, trách nhiệm thuộc về nhà thầu.

“Nguyên tắc, ai làm khâu nào thì người ấy chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc kê khai thì có hàng trăm hạng mục, theo quy định nhà thầu phải nộp bản gốc, bản công chứng. Khi nhà thầu nộp đầy đủ, chúng tôi căn cứ chủ yếu vào đấy. Trường hợp nào đặc biệt nghi ngờ thì mới kiểm tra, tuy nhiên rất hãn hữu” – ông Trường nói.

Dù chịu trách nhiệm là người đứng đầu đại diện chủ đầu tư thực hiện dự án hơn 300 triệu USD, tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Trường vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2017. Ông Trường cũng được đánh giá “có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực điều hành dự án”.

Tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Trường được Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện ký tái bổ nhiệm làm giám đốc Ban QLDA 3.

Đáng chú ý, trong Tờ trình đề nghị tái bổ nhiệm, việc ông Trường đã phải nhận hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm không hề xuất hiện.

Trước thông tin này, ông Trường cho biết, thực tế mỗi năm đơn vị này đều có đánh giá về công tác cán bộ, việc rút kinh nghiệm không phải là hình thức xử lý với cán bộ.

“Những sai phạm là có, nhưng ở mức độ Thanh tra đưa ra là chỉ rút kinh nghiệm, và trong năm 2017, tôi được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ” – ông Trường thông tin.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.