Dân Việt

Làm chuối khô, nhà nông xứ này thu tiền “tươi”

Chúc Ly 31/10/2018 06:40 GMT+7
Mới đây, Hội Nông dân (ND) huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) kết hợp Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KHCN tỉnh Cà Mau) công bố nhãn hiệu tập thể “Chuối khô Trần Hợi”. Đây là tín hiệu đáng mừng cho làng nghề truyền thống có hàng chục năm tuổi này ở xứ Đất Mũi.

Làng nghề 60 năm tuổi

Theo người dân địa phương, nghề ép chuối khô ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời xuất hiện cách đây hơn 60 năm. Đến nay, trải qua nhiều thăng trầm, nghề này vẫn thu hút hàng trăm lao động tham gia, tập trung nhiều nhất ở các ấp 10A, 10B và 10C. Qua thời gian, chuối khô trở thành đặc sản của tỉnh Cà Mau, mang lại thu nhập cao cho người dân.

img

Có nhãn hiệu tập thể, sản phẩm chuối khô Trần Hợi nâng giá trị.  Ảnh: C.L

"Điều đáng mừng là giá chuối khô sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể cao hơn trước nhiều. Cụ thể, đối với chuối được sấy bằng lò sấy, có bao bì được bán với giá 40.000 đồng/kg, chuối khô phơi nắng có giá từ 18.000-20.000 đồng/kg”.

Ông Trần Thanh Hải

Mùa vụ chính của nghề ép chuối khô bắt đầu từ khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Hiện xã Trần Hợi có 2 cơ sở sản xuất chuối khô đầu tư lò sấy chuối. Trong đó, 1 lò sấy do Hội ND huyện phối hợp Sở Công Thương đầu tư thí điểm, với công suất 350kg chuối ép/mẻ.

Chị Huỳnh Thị Diễm (ở ấp 10B) là hộ được chọn đầu tư lò sấy. Với gần 30 năm gắn bó với nghề ép chuối khô, chị Diễm cho biết đây là nghề đã được truyền qua 3 thế hệ. Theo chị Diễm, thời gian trước, nghề ép chuối khô được làm hoàn toàn thủ công nên rất vất vả và phải phụ thuộc vào thời tiết nên mất nhiều công, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Từ khi sử dụng lò sấy, chuối khô đều hơn, đẹp hơn. Hơn nữa, người làm có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để chuối có màu sắc vàng đều, bắt mắt, bảo quản được lâu.

Được biết, khi sử dụng lò sấy, người làm chỉ mất khoảng 10 tiếng là xong mẻ chuối, rút ngắn hơn nửa thời gian so với phơi nắng, qua đó cung cấp cho thị trường những sản phẩm chuối khô mẫu mã đẹp, chất lượng hơn.

Để góp phần mở rộng nghề ép chuối khô truyền thống xã Trần Hợi và bảo vệ lợi ích của những người làm nghề, Hội ND huyện Trần Văn Thời và Sở KHCN tỉnh Cà Mau đã xây dựng đề án đề nghị ngành chuyên môn cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm này. Đến ngày 10.7.2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã có quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Chuối khô Trần Hợi, do Hội ND huyện Trần Văn Thời làm chủ sở hữu.

Ngày 22.10, Hội ND huyện Trần Văn Thời kết hợp Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã công bố nhãn hiệu tập thể này. Sau khi các cơ sở đăng ký kiểu dáng công nghiệp, logo, bao bì đóng gói nhãn hiệu tập thể… Hội ND huyện sẽ phối hợp xúc tiến các sở, ban, ngành có liên quan để giúp cho huyện phát triển làng nghề chuối khô.

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Hội ND huyện Trần Văn Thời cho biết: Tại xã Trần Hợi có trên 50 hộ làm nghề ép chuối thủ công, lúc cao điểm có khoảng 70 hộ. Tổng sản lượng chuối ép khoảng 500 tấn/năm, tổng giá trị sản phẩm đạt hơn 6 tỷ đồng.

Tiềm năng rộng mở

Theo những hộ làm chuối khô thủ công của địa phương, nguyên liệu chính để làm chuối khô phải là chuối xiêm thật già, ủ cho chín đều thì mới cho ra miếng chuối khô, dẻo và dai. Chuối xiêm già sau khi được thu mua thì đem đi ủ khoảng 4 đêm cho gần chín. Tiếp theo, chuối được làm sạch, mang vào lò sấy cho khô lại rồi mới cho vào khuôn ép mỏng. Sau đó, chuối lại được đưa vào lò sấy khoảng 8 giờ sẽ cho ra sản phẩm.

Do nghề làm chuối khô phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nên đối với những hộ không có máy sấy, chuối ép xong phải được phơi khoảng 2 ngày nắng tốt đến khi ngả sang màu vàng sậm, tươm mật mới đạt yêu cầu. Ông Trần Văn Hoàng (ngụ xã Trần Hợi) cho biết: “Người dân nơi đây làm nghề ép chuối khô đã từ rất lâu. Riêng gia đình tôi cũng đã 3 đời làm nghề này. Hiện mặt hàng chuối khô không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn xuất bán cho các lò bánh kẹo tại nhiều tỉnh khác trong khu vực”.

Cũng theo ông Hoàng, trung bình mỗi tuần gia đình ông có thể cung cấp cho khách hàng khoảng 2 tấn chuối khô với mức giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, đạt doanh thu từ 36 - 40 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và trả lương cho nhân công, gia đình ông lãi khoảng 15 triệu đồng.

Nghề ép chuối khô ở Trần Hợi đã tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân, giúp họ cải thiện kinh tế gia đình. Riêng cơ sở của ông Hoàng đã tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương, với thu nhập trung bình từ 80.000 – 100.000 đồng/người/ngày.