Ngư dân Lộc Vĩnh đánh bắt cá cơm chủ yếu xung quanh vùng biển cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) bằng những con thuyền có công suất 12-24CV, thậm chí là thuyền chèo bằng tay, thúng chai. Họ dùng lưới tấp (nhiều nơi gọi là lưới xăm), loại lưới có mắt rất nhỏ dài khoảng 1.000 mét để đánh bắt.
Phân loại cá cơm bán cho thương lái.
Trung bình mỗi ngày, ngư dân sẽ vào ra con nước đánh bắt cá cơm khoảng 3 trộ (lần). “Tùy theo con nước mà tụi tui chọn thời điểm đánh bắt. Thông thường đi từ sáng sớm. Đánh bắt cá cơm chủ yếu dùng lưới tấp. Địa điểm đánh bắt xung quanh vịnh Chân Mây, xuôi thuyền theo con nước cách bờ vài trăm sải tay người lớn”, ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Bình An 1) chia sẻ.
Cá cơm của ngư dân được thương lái mua tại bãi với giá 15-20 nghìn đồng/kg, hoặc phơi khô, chế biến mắm. “Đánh bắt loại cá này mỗi thuyền phải có 7-8 thành viên vì đặc thù của loại lưới tấp phải cần nhân lực để kéo. Cá cơm thường xuất hiện theo đàn nên khi đánh bắt, ngư dân cần vận dụng kinh nghiệm. Cá xuất hiện nhiều khi gió nồm thổi nhẹ từng cơn từ biển vào, thuyền mô trúng mánh có khi thu về cả mấy tạ cá/trộ. Hiện nay, đang vào mùa cá cơm nên mang lại nguồn thu nhập đáng kể, trung bình mỗi người có thể kiếm được khoảng 1 triệu đồng/ngày”, ông Dũng cho biết.
Ngư dân thu mẻ lưới tấp toàn cá cơm trên biển Cảnh Dương.
Xã Lộc Vĩnh hiện có khoảng 20 chiếc thuyền đang hành nghề lưới tấp, ngoài ra có hàng chục loại thuyền có công suất lớn nhỏ khác đáng đánh bắt cá cơm. Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết: “Ngư dân đánh bắt cá cơm ở các thôn Bình An 1, Bình An 2, Cảnh Dương. Loại cá này đang vào mùa vụ đánh bắt. Do chưa hết mùa vụ nên chưa thể thống kê đầy đủ sản lượng. Tuy nhiên, cá cơm đang mang lại thu nhập khá cho ngư dân”.
Theo ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, thời điểm này đang vào vụ cá Bắc và cũng là mùa cá cơm. Loại cá này xuất hiện ở khu vực ven bờ, tùy vào vùng biển và phân bố theo mùa. Thông thường cá cơm xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 4 dương lịch năm sau.