Từ hôm nay (30/10), Quốc hội bắt đầu 3 ngày hoạt động chất vấn với việc tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời câu hỏi đại biểu quan tâm.
Là người đầu tiên chất vấn trong sáng nay, đại biểu Trần Tất Thế (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) đặt câu hỏi: Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam chất vấn về tình trạng ô nhiễm sông Đáy và sông Nhuệ. Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời hứa sẽ giải quyết và sau 5 năm sẽ trả lại sự trong xanh cho 2 dòng sông này. Qua giám sát của các đại biểu và cử tri, thực tế cho thấy tình trạng ô nhiễm vẫn nghiêm trọng, xả thải ở Hà Nội chưa được khắc phục.
"Vậy Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục trong thời gian tới như thế nào?" - ĐB Trần Tất Thế hỏi.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của ĐBQH. Ảnh: Lê Hiếu
Trả lời câu hỏi trên, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Mong muốn của đại biểu, nhân dân và tôi là làm sao việc giải quyết ô nhiễm môi trường các dòng sông Nhuệ, Đáy, Tô Lịch sớm được cải thiện tốt nhất. Như tôi nói là sau 5 năm để sông trở lại như xưa, xanh, sạch, đẹp thì cần một số điều kiện.
Quan điểm xử lý của Bộ là phải xử lý tại nguồn. Người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm xử lý. Các dòng sông nêu trên đều là liên tỉnh, chạy qua nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình. Đặc biệt là Hà Nội, nguồn nước sinh hoạt chưa xử lý chảy ra sông, hay nước chảy từ Hòa Bình về Hà Nam. Trách nhiệm là thuộc về các địa phương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: "Chúng ta cũng đã có đề án tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường ở các dòng sông đại biểu đã nêu, tuy nhiên đến nay cơ chế phối hợp chưa hiệu quả, đặc biệt là chưa bố trí được nguồn lực. Rồi công nghệ nào xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta chưa thực hiện thu gom và xử lý tập trung - cũng là một câu hỏi. Chúng tôi đã có kiến nghị chính quyền địa phương phải đánh giá nguồn thải và lựa chọn mô hình xử lý".
Thực tế hiện nay, không phải là không có công nghệ để xử lý. Hà Nội cũng đã có 2-3 mô hình xử lý tại từng đoạn, song các làng nghề mới chủ yếu tập trung vào xử lý nước thải sinh hoạt. Nếu tính toán chi phí từ Nhà nước và sự tham gia của các đối tượng, hoàn toàn có thể thu hút xã hội hóa. Vướng mắc hiện nay là lựa chọn đối tác công tư, thủ tục đấu giá, không khác gì vốn nhà nước, nên cản trở, chậm thu hút nguồn lực xã hội hóa.
Tình trạng ô nhiễm trên sông Nhuệ, sông Đáy vẫn hết sức nghiêm trọng. Ảnh: I.T
"Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư hạ tầng. Cần xác định doanh nghiệp có công nghệ và năng lực xử lý, cũng như cần xem xét cơ chế tính chi phí xử lý, trong đó có sự tham gia của Nhà nước, người dân và vẫn tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Muốn thế, phải gắn với trách nhiệm của các địa phương thì chúng ta mới giải quyết được" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng TN&MT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Trách nhiệm giải quyết ô nhiễm môi trường sông Đáy, sông Nhuệ thì Chính phủ, cụ thể là Bộ TN&MT chịu trách nhiệm giải quyết từ nguồn lực Trung ương và các giải pháp quản lý Nhà nước, nhưng chính quyền các địa phương dọc các con sông này cũng phải có trách nhiệm cùng bảo vệ môi trường, có cơ chế phối hợp bằng nguồn lực T.Ư, địa phương và nguồn xã hội hoá.
"Qua câu hỏi của ĐB Trần Tất Thế, tôi đề nghị ngay sau đây Bộ trưởng Trần Hồng Hà phải về rà soát lại trách nhiệm của bộ như thế nào, của địa phương đến đâu, Bộ đã làm tròn trách nhiệm nhưng các địa phương chưa chung tay thực hiện tốt, chưa chung tay cùng Chính phủ bảo vệ các dòng sông này" - Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.