Chiều nay (30.10), tại buổi giao ban Báo chí Thành ủy Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội đã thông tin với báo chí về kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố 10 tháng đầu năm.
Trước một số câu hỏi của báo giới liên quan đến việc đổi mới cách phổ biến pháp luật đến nhân dân Thủ đô khi thành phố đang có chủ trương xóa bỏ loa phường, bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, hiện có nhiều biện pháp, phương tiện có thể thay thế vai trò của loa phường.
Theo đó, các biện pháp xưa nay vẫn làm như hội nghị tập huấn, tổ chức cuộc thi, phát tờ rơi, qua loa phát thanh, truyền thanh, bảng tin cơ sở, cụm dân cư...
“Hiện nay, TP đang có chủ trương thay thế loa phường, bởi ở TP, người dân bận rộn với công việc, lo làm ăn, kiếm kế sinh nhai. Nhiều khi phát vào lúc người ta không ở nhà. Khi người ta ở nhà muốn nghỉ ngơi thì lại phát. Nhiều khi tiếng loa phường to quá", bà Hương nói và cho biết, sẽ có nhiều biện pháp thay thế việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua loa phường.
“Đặc biệt ở khu vực TP có nhiều sản phẩm công nghệ, bây giờ kết nối được mạng, điện thoại đã có 3G, 4G. Người dân có thể tra thông tin qua mạng”, bà Hương khẳng định.
Theo kết quả lấy ý kiến người dân về loa phường vừa được thực hiện trên cổng thông tin điện tử của UBND TP.Hà Nội (hanoi.gov.vn) từ ngày 10 đến 25.10 có tới hơn 70% người tham gia góp ý kiến không ủng hộ bỏ loa phường trên địa bàn các quận nội thành.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, hiện nay, Sở đang lên kế hoạch, chuẩn bị triển khai việc chuyển tủ sách pháp luật sang dạng điện tử để người dân dễ tra cứu, tìm hiểu về pháp luật. Đáp ứng nhu cầu tra cứu của người dân.
Về vấn đề này, ông Trần Xuân Hà - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, TP đang lấy ý kiến để thay thế loa phường.
"Loa phường có từ thời chiến tranh, phục vụ hoạt động sẵn sàng chiến đấu, trú ẩn, nhiều công việc cần thiết trong từng giai đoạn lịch sử. Đến giờ, loa phường không còn phù hợp nữa cả về yếu tố thời điểm và vị trí”, ông Hà nói.
Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nôi cũng cho biết, dù có chủ trương thay thế loa phường, nhưng các thiết bị công nghệ cũng không phủ sóng hết được. Vì vậy, TP đang nghiên cứu việc mỗi phường giữ lại 5 – 7 loa phường ở vị trí thích hợp.
“Không phải ai cũng dùng được thiết bị thông minh. TP sẽ nghiên cứu để làm hài hòa, hợp lý”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo kết quả lấy ý kiến người dân về loa phường vừa được thực hiện trên cổng thông tin điện tử của UBND TP.Hà Nội (hanoi.gov.vn) từ ngày 10 đến 25.10 có tới hơn 70% người tham gia góp ý kiến không ủng hộ bỏ loa phường trên địa bàn các quận nội thành.
Cụ thể trong hơn hai tuần lấy ý kiến (từ ngày 10 đến 25-10) đã có 790 người dân tham gia câu hỏi khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hà Nội. Trong đó, có 70,13% số người lựa chọn phương án “cần quyết liệt sắp xếp mạnh mẽ hơn, tiến tới bỏ loa phường trong quận”. Chỉ có 4,3% số người chọn phương án “không nên giảm số lượng loa phường và cụm loa tại các phường thuộc quận”.
25,57% số người cho rằng qua một năm sắp xếp đã giảm số lượng loa phường tại địa bàn các quận còn 5-10 cụm loa/phường là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên cũng có hơn 70% số người cho rằng lượng loa phường như vậy là quá nhiều.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy phần lớn người dân hiện nay tiếp cận thông tin qua máy tính nối mạng Internet và thiết bị di động cầm tay.
Cụ thể có 783 người tham gia lấy ý kiến về câu hỏi tiếp cận thông tin qua phương tiện nào thì có 10,85% chọn báo in; 27,34% chọn vô tuyến truyền hình; 5,20% chọn đài cassette; 24,02% chọn máy tính nối mạng Internet và 32,59% chọn thiết bị di động cầm tay như điện thoại, máy tính bảng.
Trước đó, vào cuối tháng 2.2017, theo khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trong hơn 3.000 ý kiến nhận được, trong đó có tới 90% ý kiến cho là hệ thống loa phường không cần thiết.