Dân Việt

Giá nông sản hôm nay 31/10: Giá cà phê vẫn “hụt hơi”, giá tiêu tiếp đà tăng trưởng

Tố Tố 31/10/2018 09:14 GMT+7
Khảo sát thị trường nông sản hôm nay 31/10 cho thấy, giá cà phê ở nhiều địa phương tiếp tục giảm 100-200 đồng/kg, trong khi đó giá tiêu tại một số địa phương vẫn tiếp đà tăng thêm 1.000 đồng/kg.

Đến lượt cà phê trầm lắng

Tại các tỉnh Tây Nguyên, giá cà phê hôm nay 31/10 giảm 200 đồng/kg xuống còn 35.500 - 36.000 đồng/kg. Trong đó, giá cà phê tỉnh Lâm Đồng thấp nhất ở mức 35.500 đồng/kg và cao nhất là tại Gia Lai đạt 36.000 đồng/kg.

img

Sau khi tăng nhẹ vào cuối tuần trước, những tưởng giá cà phê đang trên đà phục hồi nhưng chỉ trong 2 ngày cuối tháng 10, cà phê liên tiếp giảm. Ảnh minh họa.

Giá cà phê giao tại càng TP HCM đạt 1.556 USD/kg, giảm 120 USD so với hôm 30/10.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao tháng 11 trên sàn ICE lúc 15h02 ngày 30/10 giảm mạnh 0,7% xuống 1.656 USD/tấn. Giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn New York lúc 17h30 ngày 30/10 giảm 1,6% xuống 112,4 UScent/pound.

Giá cà phê ở mức đáy 12 năm khiến nhiều người trồng cà phê tại Uganda càng chìm trong nghèo đói.

Trả lời phỏng vấn tờ Prosper Magazine, ông Emmanuel Iyamulemye, Giám đốc Cơ quan Phát triển ngành cà phê Uganda cho hay: “Giá cà phê thấp khiến người dân không mặn mà với việc chăm sóc cây. Điều này đồng nghĩa, quỹ của Cơ quan Phát triển Ngành cà phê Uganda cũng bị ảnh hưởng. Đồng thời nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế cà phê cũng giảm theo”.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, sản lượng cà phê thế giới năm 2017 - 2018 ước tăng 5,7% lên 164,81 triệu bao, trong đó gồm một phần vụ mùa mới cho các nhà sản xuất có niên vụ bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7.

Sản lượng cà phê arabica và robusta tăng trong năm 2017 - 2018, mặc dù phần lớn sự tăng trưởng đến từ cà phê Robusta, tăng 11,7% lên 62,99 triệu bao so với năm 2016 - 2017.

Giá tiêu tăng ở một vài nơi

Giá tiêu hôm nay 31/10 vẫn giữ được đà tăng nhẹ 1.000 đồng/kg ở một số thị trường. Cụ thể, tại Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, giá tiêu đều ở mức 60.000 đồng/kg.

Tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay 31/10 tăng 1.000 đồng so với hôm qua, cùng với Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành 2 địa phương có giá tiêu cao nhất nước: 61.000 đồng/kg. Giá tiêu ở Đồng Nai vẫn ổn định ở mức 58.000 đồng/kg.

Theo giới thương nhân quốc tế, trong vòng 10 ngày qua, giá tiêu đen ở một số nước đã tăng hơn 3% và tiêu trắng tăng hơn 5%, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ mùa đông và Tết năm mới.

img

Giá tiêu hôm nay 31/10 tăng thêm 1.000 đồng/kg ở một số địa phương. Ảnh minh họa.

Theo cùng xu hướng tăng, hôm qua thứ Hai ngày 29/10, giá tiêu đen xô tại thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng lên mức 61.000 đồng/kg, các thị trường còn lại dao động trong khoảng 59.000 – 60.000 đồng/kg, tại thị trường Gia Lai luôn ở mức thấp nhất 58.000 đồng/kg. Sự chênh lệch giá giữa các thị trường địa phương chủ yếu là do chi phí lưu thông.

Nhìn lại giá tiêu tại thị trường nội địa Việt Nam, giá tiêu đen ngày 18/10 dao động trong khoảng  54.000 – 57.000 đồng/kg tùy theo thị trường địa phương thì hôm nay đã tăng lên 58.000 – 61.000 đồng/kg, tức tăng hơn 7% cao hơn mức tăng bình quân của thế giới. Trong khi đó, giá tiêu trắng cũng tăng lên dao động ở mức 85.000 – 86.000 đồng/kg, tăng khoảng 4%, mức tăng không tương xứng.

Trên sàn hàng hóa NCDEX tại Kochi, Ấn Độ, giá tiêu kỳ hạn tháng 11 chốt phiên cuối tuần qua tăng thêm 420 Rupi lên ở mức 40.690 Rupi/tạ (tương đương 5.546 USD/tấn) , trong khi kỳ hạn tháng 12 tạm ngưng vì thiếu khách giao dịch.

Giá tiêu đen xô tại vùng Kanjangadu trong bang Kerala tăng 500 Rupi lên 32.500 Rupi/tạ (tương đương 4.429 USD/tấn) nhưng nguồn cung cũng ít ỏi, do thương nhân địa phương cũng không muốn bán vì đồng Rupi đang bị mất giá.

Theo dữ liệu thương mại, tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam hiện đang chào giá 2.635 USD/tấn cho loại 500 Gr/l và giá 2.785 USD/tấn cho loại 550 Gr/l, trong khi tiêu trắng chào giá 3.880 USD/tấn, tăng 60 – 80 USD so với tuần trước.

Theo giới thương mại nội địa, sở dĩ giá tiêu đen trong nước có mức tăng cao hơn mức bình quân chung của thế giới do có hiện tượng mua bù hợp đồng của các nhà xuất khẩu.  Trong khi nguồn hàng nhập khẩu dự kiến từ Brasil và Indonesia vẫn chưa thấy về.