Dân Việt

Bí ẩn chưa có lời giải vụ máy bay Indonesia lao xuống biển

Phương Đăng 31/10/2018 13:00 GMT+7
Trong khi các đội thợ lặn và cứu hộ vẫn đang gồng mình tìm kiếm và trục vớt các mảnh vỡ và thi thể các hành khách từ máy bay Indonesia rơi xuống biển Java hôm 29.10, thì nguyên nhân gây ra thảm kịch này là câu hỏi lớn đang được nhiều người nóng lòng mong được giải đáp.

Những gì chúng ta đã biết

img

Các mảnh vỡ, vật dụng cá nhân được lực lượng cứu hộ trục vớt từ vùng biển nơi máy bay Indonesia gặp nạn. CNN.

Theo CNN, máy bay Boeing 737 MAX mang số hiệu JT610 của hãng hàng không giá rẻ Lion Air rơi xuống biển Java vào khoảng 6h30 sáng 29.10, chỉ 13 phút sau khi cất cánh.

Trước đó vài phút, cơ trưởng Bhavye Suneja, 31 tuổi, người Ấn Độ đã xin phép đài kiểm soát không lưu cho chuyến bay JT610 quay đầu về sân bay Jakarta. Đề nghị của anh được chấp thuận nhưng ngay sau đó, máy bay mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu ở độ cao 1.580m.

Chính quyền Indonesia tin rằng, toàn bộ 189 người trên máy bay bao gồm 181 hành khách, trong đó có một trẻ nhỏ và hai trẻ sơ sinh cùng 8 thành viên tổ bay đều đã thiệt mạng.

Tính đến thời điểm này, thân máy bay và 2 hộp đen gồm thiết bị ghi âm trong buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay giúp giải mã nguyên nhân vụ tai nạn cũng như những phút cuối cùng của JT610 vẫn chưa được trục vớt. 

Indonesia đã triển khai các thiết bị không người lái và sử dụng công nghệ định vị bằng sóng âm nhằm thu tín hiệu từ hộp đen của chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 gặp nạn. Mục tiêu hàng đầu là tìm ra thiết bị ghi âm trong buồng lái và dữ liệu chuyến bay nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến thảm kịch.

Ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia hôm 31.10 thông báo, nhóm tìm kiếm đã ghi nhận âm thanh được cho là của hộp đen máy bay dưới biển vào cuối ngày hôm qua và sáng nay. Hiện các thợ lặn đang kiểm tra vị trí nghi có hộp đen.

Ngoài ra, vào đêm trước chuyến bay, phi hành đoàn đã thông báo về một trục trặc mà JT610 gặp phải. Công tác sửa chữa đã được tiến hành và sáng sớm 29.10, chuyến bay JT610 vẫn cất cánh như dự kiến.

Những giả thiết về nguyên nhân thảm kịch

Một số giả thiết đã được đưa ra nhằm giải mã nguyên nhân khiến máy bay Indonesia rơi xuống biển không lâu sau khi cất cánh như phi công thiếu kinh nghiệm do ít được huấn luyện, máy bay bị lỗi…

img

Một mảnh vỡ của máy bay gặp nạn được trục vớt lên bờ.

Theo 9news, Boeing 737 MAX 8 là phiên bản mới nhất của dòng Boeing 737 và được mệnh danh là "máy bay tầm ngắn của tương lai" hay  "người tình mới của thế giới hàng không". Chiếc máy bay gặp nạn vừa được Lion Air đưa vào sử dụng từ hồi giữa tháng 8 và mới chỉ có 800 giờ bay.

Tuy nhiên, chiếc máy bay được thông báo đã gặp lỗi kỹ thuật với máy tính quản lý dữ liệu bay trong chuyến bay đến Jakarta trước đó.

"Hôm trước đó, máy tính quản lý dữ liệu của cơ trưởng đã bị lỗi, đó là thiết bị dùng để đọc tốc độ bay và độ cao. Nhưng tôi cho rằng vấn đề nằm ở việc phi công không được đào tạo đầy đủ", ông Byron Bailey, chuyên gia hàng không Australia và là cựu phi công hãng Emirates có 45 năm kinh nghiệm bay nhận xét.

Theo chuyên gia này, tại các hãng hàng không như Qantas hay Emirates, phi công được huấn luyện bằng mô phỏng bay 6 tháng một lần và thực hành các biện pháp xử lý vấn đề. "Nhưng các phi công làm việc cho hãng giá rẻ không được huấn luyện như vậy", ông Bailey nhận xét.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích hàng không Gerry Soejatman nói rằng, những chiếc máy bay cũ thường có nguy cơ tai nạn cao nhất, nhưng những máy bay rất mới cũng có nguy cơ cao.

"Nếu chúng còn rất mới thì đôi khi có những vấn đề chỉ được nhận thấy sau khi chúng được sử dụng thường xuyên. Những vấn đề đó thường được xử lý trong vòng ba tháng đầu tiên", ông Soejatman bình luận.

Tương tự, nhà phân tích hàng không Jon Ostrower cũng cho biết "luôn có những vấn đề với máy bay mới” nhưng theo ông đây là điều phổ biến, khó có thể đe dọa sự an toàn của phi cơ và còn quá sớm để rút ra kết luận về nguyên nhân vụ rơi máy bay.

"Có rất nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra một vụ tai nạn như thế này", ông Ostrower nói.