“Nhất nước, nhì phân…”
Lão nông Nguyễn Văn Thạnh ở xã Hải An, huyện Hải Hậu là một trong những người tiên phong hiến đất xây dựng nông thôn mới của địa phương, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ông cũng là người trồng lúa giỏi và có kinh nghiệm trong sử dụng phân bón.
Phân bón NPK-S Lâm Thao được nhiều ND Nam Định tin dùng. Ảnh: Thu Hà
"Từ đầu năm 2018 đến nay, các cấp Hội ND tỉnh Nam Định đã phối hợp tổ chức được hơn 5 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao cho 600 hội viên, ND”. Ông Nguyễn Ngọc Tiến |
Ông Thạnh phấn khởi cho biết: Các cụ xưa có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” rất đúng, theo tôi thì khâu nào cũng quan trọng cả. Ví như đồng ruộng Hải An trước khi dồn điền đổi thửa (DĐĐT), từng một thời hoang vu, “chiêm khê, mùa thối”, nhưng đến nay, khi DĐĐT, ND tích tụ ruộng đất, cần cù làm lụng, thêm cả chất lượng phân tốt nữa thì thu hoạch mùa vàng là điều đương nhiên.
Cũng theo ông Thạnh, gia đình ông có 9 mẫu ruộng, trung bình 1 năm cấy 2 vụ lúa, với giống Bắc Thơm số 7, đầu tư khoảng 2 tấn phân NPK Lâm Thao và supe Lâm Thao (trung bình mỗi vụ sử dụng 1 tấn phân), đạt năng suất vượt trội, từ 1,8 - 2 tạ/sào (sào Bắc Bộ). “Với giá bán thóc dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, trừ thóc làm thức ăn chăn nuôi và các khoản chi phí khác, gia đình tôi thu về hàng trăm triệu đồng/năm” - ông Thạnh cho biết.
Không chỉ gia đình ông Thạnh thường xuyên sử dụng phân Lâm Thao bón cho lúa và hoa màu, xã Hải An có đến 80% số hộ ND sử dụng phân NPK Lâm Thao cho trồng trọt. Họ đều có thu nhập cao từ việc chuyên canh lúa chất lượng cao.
Rời gia đình lão nông Nguyễn Văn Thạnh chúng tôi tới gia đình ông Bùi Văn Trung ở xóm 2, xã Hải Quang (Hải Hậu). Tìm gia đình ông Trung không khó, không phải chỉ vì ông đang là Phó Chủ tịch Hội ND xã mà bởi từ lâu ông đã nổi tiếng là người dám nghĩ, dám làm và thành công trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Chẳng thế mà hiện nay ông Trung đang là chủ trang trại VAC có diện tích 8 mẫu tại xóm 2, xã Hải Quang.
Cụ thể, gia đình ông Trung vừa trồng dược liệu đinh lăng với trên 10.000 gốc, vừa có 6 ao nuôi các loại. Trong đó 2 ao nuôi tôm nước ngọt, 3 ao nuôi cá truyền thống kết hợp trồng cây dược liệu sen và 1 ao nuôi ba ba. Hàng năm mô hình VAC tổng hợp này mang lại cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng.
Ông Trung tâm sự: Để trồng các loại cây dược liệu như đinh lăng và nhất là để cây dược liệu như cây sen vốn là cây truyền thống cho thu nhập cao ở địa phương thì việc chăm sóc, bón phân cho cây rất quan trọng. “Nhiều năm nay, gia đình tôi vẫn quen dùng phân bón Lâm Thao. Khi bón thấy phân có chất lượng, dù lúa hay cây dược liệu là đinh lăng, sen đều tốt, ít sâu bệnh, đất luôn tơi xốp, cho hiệu quả kinh tế cao”.
Nhiều hoạt động hỗ trợ ND
Bón phân Lâm Thao đúng cách, nông dân Hải Hậu, Nam Định có thu nhập cao. DV
Thời gian qua, các cấp Hội ND tỉnh Nam Định đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ công tác Hội và phong trào ND. Hiện, toàn tỉnh có 325.000 hội viên sinh hoạt tại 3.170 chi hội ở 212 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội. Phong trào ND sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển. Trong 5 năm (2013-2018), bình quân mỗi năm, toàn tỉnh Nam Định có 78.790 lượt hộ ND đạt danh hiệu SXKD giỏi.
Các hoạt động này của Hội đã góp phần tích cực vào thành tích xây dựng NTM của tỉnh Nam Định, với 203/209 xã (bằng 97% số xã của tỉnh) được công nhận đạt chuẩn NTM; 5/10 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Điểm đáng chú ý, các cấp Hội ND tỉnh Nam Định tập trung tổ chức các hoạt động, dịch vụ, tư vấn hỗ trợ ND phát triển sản xuất. Trong đó, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp uy tín cung ứng phân bón chất lượng theo phương thức trả chậm nhằm giúp ND yên tâm sản xuất. Riêng năm 2017, qua “kênh” Hội ND đã cung ứng hơn 15.000 tấn phân bón Lâm Thao theo hình thức trả chậm
Ông Tô Xuân Hiệp - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định khẳng định, cung ứng phân bón trả chậm được đánh giá là một trong những chương trình thiết thực với hội viên, ND. Chương trình không chỉ giúp các hộ ND giảm được nỗi lo chi phí, yên tâm sản xuất mà thông qua các hoạt động của chương trình còn tăng cường được mối quan hệ gắn bó giữa hội viên, cán bộ hội ND cơ sở với tổ chức hội.
“Những năm qua, với vai trò là “cầu nối” trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội ND trong tỉnh đã chủ động phối hợp với Công ty CP Thương mại tổng hợp Toan Vân là nhà phân phối phân bón của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao để triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên, ND” - ông Hiệp thông tin.
Là một trong hàng nghìn ND được hưởng lợi từ chương trình cung ứng phân bón trả chậm do Hội ND tỉnh Nam Định triển khai, chị Trần Thị Hoa ở huyện Vụ Bản phấn khởi nói: “Gia đình tôi có hơn 6 sào ruộng, mỗi năm, gia đình sử dụng từ 2 - 3 tạ phân bón các loại. Trước đây, mỗi khi bước vào vụ sản xuất, tôi thường phải mua phân bón từ các đại lý trên địa bàn xã với giá khá cao; trong khi, chất lượng lại không được đảm bảo.
Từ năm 2017 đến nay, tham gia chương trình cung ứng phân bón trả chậm, gia đình chị Ngát không còn phải lo lắng về giá cả, chất lượng phân bón như trước mà còn được nâng cao kiến thức về cách chăm sóc, bón phân cho cây trồng thông qua các lớp tập huấn của công ty cung ứng. Nhờ đó mà năng suất trồng lúa tăng lên rõ rệt. Riêng vụ xuân năm 2018, với 6 sào ruộng, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 10 triệu đồng”.
Trong thời gian tới các cấp Hội ND tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các hội viên ND thấy rõ lợi ích của việc mua phân bón trả chậm. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp uy tín như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tham gia cung ứng phân bón và tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật giúp hội viên ND phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.