Tuy vậy, theo quan sát, tới thời điểm hiện tại, trong khi người tiêu dùng hào hứng với dịch vụ này thì các nhà mạng, giới buôn sim… đều vẫn rất hờ hững vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng.
VinaPhone, Viettel và MobiFone cho biết sẽ triển khai chuyển mạng giữ số (Mobile Number Portability - MNP) và trước mắt cung cấp dịch vụ cho các thuê bao trả sau từ ngày 16.11. Các thuê bao trả trước sẽ được triển khai mở rộng sau ba tháng. Riêng Vietnammobile dự kiến áp dụng từ đầu năm 2019, trong khi Gmobile không áp dụng hình thức này.
Anh Nguyễn Hòa Bình, một chuyên viên IT tại quận Tân Bình, (TP.HCM), anh từng đi trao đổi lao động ở Nhật Bản cho biết, ở Nhật người tiêu dùng có thể đổi mạng nhưng vẫn giữ nguyên số khi thấy không hài lòng về dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông đang dùng. Cũng có người đổi mạng vì muốn hưởng các khuyến mãi hấp dẫn hơn của nhà mạng khác.
Từ 16.11, người dùng có thể đổi mạng nhưng vẫn giữ được số đang dùng.
Điều kiện để được đổi mạng, theo anh Bình là trước khi sử dụng dịch vụ, khách hàng phải ký hợp đồng với nhà mạng, trong đó có điều khoản không được chuyển mạng trước 6 tháng. Sau 6 tháng, khách hàng có thể chuyển mạng tùy theo nhu cầu, một số nhà mạng còn đưa ra nhiều gói cước khuyến mãi rất hấp dẫn để thu hút khách hàng như tặng điện thoại mới, tặng phí chuyển mạng hoặc tặng cước điện thoại…
Khi về Việt Nam, nghe tin người dùng cũng có thể đổi mạng giữ số, anh Bình rất hào hứng. Tuy nhiên, chờ đợi đến nay, anh Bình vẫn chưa biết phải làm thế nào để được hưởng dịch vụ này.
Anh Hùng, chủ một cửa hàng sim số tại đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM) thì cho rằng, dịch vụ chuyển mạng giữ số là dịch vụ được mong đợi nhất dịp cuối năm nay của ngành viễn thông. Ban đầu, giới kinh doanh sim cho rằng, các nhà mạng nhỏ như Vietnammoblie sẽ có cơ hội để thu hút thêm người tiêu dùng. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, tình hình vẫn khá im ắng, các nhà mạng cũng chưa có nhiều thông tin về dịch vụ này.
“Các thông tin như cước phí chuyển mạng, giá cước hòa mạng mới, quy trình, thủ tục… vẫn chưa có nên các doanh nghiệp vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ TT&TT. Giới buôn sim cũng chưa dám đánh liều, gom sim số các mạng nhỏ lẻ nhằm mong tăng doanh số dịp này”, anh Hùng cho biết.
Trên trang web của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), nhà mạng này cũng giới thiệu về dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động giữ nguyên số (MNP). Kèm theo đó là hướng dẫn đăng ký chuyển mạng giữ số từ mạng khác sang Vinaphone. Các thông tin khách hàng cần cung cấp như Họ tên, ngày sinh, địa chỉ, email, số điện thoại và yêu cầu cung cấp mã xác nhận được VNPT gởi vào số di động của người đăng ký.
Người tiêu dùng khá hào hứng trước dịch vụ chuyển mạng giữ số, hy vọng sẽ được hưởng các dịch vụ viễn thông tốt hơn trong tương lai. (Ảnh: ITC).
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT cho biết, đối với hệ thống MNP Gateway, VNPT tự xây dựng và kết nối với MNPgateway của Bộ TT&TT để test thử. Dự kiến, VNPT sẽ thực hiện đúng tiến độ của đề án chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT vẫn chưa đưa ra các hướng dẫn cụ thể nên nhà mạng vẫn chưa có các thông tin như mức phí chuyển mạng, cách thức chuyển mạng giữ số.
Theo các chuyên gia viễn thông, việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số sẽ giúp ngành viễn thông phát triển theo chiều sâu, tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, những thuê bao di động không có thông tin cá nhân chính xác sẽ không được chuyển mạng giữ nguyên số. Do đó, đây cũng là công cụ khuyến khích người sử dụng dịch vụ đăng ký chính xác thông tin thuê bao, góp phần giảm thiểu sim rác. Hơn nữa, khi đăng ký chuyển mạng, khách hàng phải khai báo chính xác các thông tin cá nhân liên quan, giúp công tác quản lý thuê bao được chặt chẽ hơn.