Chính phủ mới ban hành Nghị định 117/2018/NĐ-CP (Nghị định 117) thay thế thay thế Nghị định 70/2000/NĐ-CP (NĐ 70) ngày 21.11.2000 về giữ bí mật thông tin khách hàng chính thức có hiệu lực từ hôm nay, ngày 1.11.2018. Theo đó, Nghị định 117 có những điểm thay đổi cơ bản so với Nghị định 70. Cụ thể,
Thứ nhất, đối tượng được yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng đã mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Ví dụ như trước đây, theo Nghị định 70 ngoài việc ngân hàng cung cấp thông tin cho chính khách hàng và người được ủy quyền hay phục vụ hoạt động nội bộ của ngân hàng thì chỉ có những cơ quan tư pháp, thi hành án mới được yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng trong quá trình thanh tra, điều tra truy tố xét xử thi hành án.
Thứ hai, đối tượng được yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng cũng hẹp hơn so với hiện nay. Chẳng hạn như lĩnh vực công an, những vị trí như giám đốc hay phó giám đốc Công an tỉnh thành phố hoặc là Thủ trưởng, phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh thành phố trở lên mới được ký vào văn bản yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin. Hiện nay phạm vi này mở rộng ra tối đa, thậm chí là cơ quan hạ xuống đến cấp huyện cũng có quyền ký văn bản yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin về tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng.
Khách hàng “bất an”
Nhìn nhận về sự thay đổi này, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, cho rằng việc mở rộng đối tượng được yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng tại ngân hàng như quy định trong Nghị định 117 là hợp lý và có căn cứ.
Theo vị luật sư này, khi giới hạn đối tượng được yêu cầu cung cấp thông tin như trong Nghị định 70 trước đây có thể dẫn tới việc khó khăn trong công tác quản lý, điều tra cho các cơ quan điều tra cấp huyện và một số cơ quan chức năng điều tra.
“Nếu như những cơ quan này đang cần thu thập thông tin trong quá trình giải quyết một vụ việc nào đấy nhưng lại bị giới hạn về quyền đòi hỏi cung cấp thông tin từ ngân hàng thì rõ ràng là khó khăn cho công tác điều tra”, luật sự Tuấn Anh phân tích.
Luật sư Tuấn Anh cũng cho biết thêm, không ai tự dưng lại đi lấy thông tin của khách hàng nếu không vì phục vụ cho công tác quản lý cũng như điều tra để phát hiện những trường hợp vi phạm pháp luật. Hơn nữa, khi yêu cầu cung cấp thông tin những cơ quan này cần phải nêu mục đích, nếu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật thì ngân hàng cũng có quyền từ chối cung cấp
Nhìn nhận dưới góc độ khác, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc công ty luật Basico, cho rằng việc lấy thông tin từ hệ thống ngân hàng thì quốc gia nào cũng đều có thể tiến hành. Thế nhưng, tại một số nước nếu muốn được ngân hàng cung cấp thông tin thì phải được tòa án chấp nhận. Chỉ có tòa án phê duyệt tất cả những lệnh kiểm tra khám xét và xác minh thông tin…
“Trong khi đó chúng ta lại gần như không có hạn chế nào trong cung cấp thông tin, các đối tượng được quyền yêu cầu cung cấp thông tin lại quá rộng. Đó là sự khác biệt lớn giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển khác” ông Hải nói.
Theo luật sư Hải, những quy định mới trong Nghị định 117 này sẽ có những tác động nhất định đến tâm lý của người gửi tiền. Năng lực tài chính của mỗi người và thông tin bí mật tài chính khách hàng đó là những thông tin về góc độ kinh doanh và sở hữu thì thường phải tôn trọng tối đa. Sự bảo mật thông tin khách hàng sẽ hạn chế hơn trước đây rất nhiều lần.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc công ty luật Basico
Ông Hải cho biết thêm với các quốc gia khác, không phải cơ quan nào cũng có thể quyền can thiệt vào ngân hàng và xin thông tin từ ngân hàng mà người ta yêu cầu tòa án chính là nhằm giữ bí mật tối đa cho thông tin tài chính của khách hàng.
"Còn dưới góc độ ngân hàng, để có vốn phục vụ hoạt động cho vay của mình cũng như phục vụ hoạt động cho nền kinh tế thì yếu tố đầu vào then chốt là phải huy động vốn từ tiền gửi của cá nhân, doanh nghiệp.
Việc can thiệp nhiều như này có khả năng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Chưa kể đến việc cơ quan nhà nước yêu cầu thì ngân hàng phải có nghĩa vụ thực hiện. Nghĩa vụ này có thể đẩy chi phí hoạt động của ngân hàng lên cao hơn so với trước đây”, ông Hải phân tích.
Bình luận về Nghị định 117, một khách hàng có tài khoản với ngân hàng cho rằng nếu tài khoản không có nhiều tiền, thì cho cả thiên hạ biết cũng được nhưng cứ có vài tỷ trở nên giao dịch với ngân hàng thì lại là câu chuyện khác.
"Lỡ đâu lọt thông tin ra ngoài, xã hội đen đe dọa tống tiền hay lãnh đạo các cấp biết được đến vòi vĩnh doanh nghiệp thì sao? Tôi không nói tất cả đều xấu nhưng mà không thể không đề phòng”, vị khách hàng này lo lắng.
Một chuyên gia cũng cho rằng, với quy định này, chắc chắn những khách hàng đại gia, ôm khối tài sản khủng sẽ bất an, lo ngại thông tin tiền gửi bị lộ. Điều này phần nào cũng ảnh hưởng tới tiền gửi của các ngân hàng.
Làm rõ mục đích sử dụng thông tin
Để việc bảo mật thông tin khách hàng tốt hơn nhưng vẫn giúp cơ quan quản lý thuận lợi hơn trong hoạt động điều tra của mình, luật sư Hải cho rằng cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đến đâu khi yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin.
"Tất nhiên nguyên tắc chung thì có nhưng ví dụ một cơ quan nào đó yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin vì “ngẫu hứng” với một mục đích gì đó chẳng hạn. Nếu như trong Nghị định 70 thì việc cung cấp thông tin ai cũng hiểu thông tin đó dùng để xác minh hành vi phạm tội, tang vật thì điều đó là cần thiết. Thế nhưng, trong Nghị định 117 tính cần thiết của thông tin cần cung cấp lại chưa được làm rõ ràng mà chỉ mang tính chất chung chung”, ông Hải phân tích.
NĐ 117 cần cụ thể hóa mục đích sử dụng thông tin khách hàng
Vị luật sư này cho rằng như thế trách nhiệm gắn theo những thầm quyền này cũng không được làm rõ. Trong trường hợp những thông tin này thất thoát ra ngoài mà ảnh hưởng tới quyền lợi của người gửi tiền hay là những người có tài sản sẽ như thế nào?
"Chính vì không rõ ràng nên hầu hết pháp luật các nước tránh thiệt hại trực tiếp hay gián tiếp tới quyền lợi của người gửi tiền nên họ đưa ra những hạn chế quyền tiếp cận thông tin và đẩy vào trình tự hợp lý hơn.
Trước đây chúng ta thu hẹp đối tượng tiếp cận thông tin để quản lý dễ hơn tránh làm tổn hại quyền lợi của người gửi tiền thì bây giờ Nghị định 117 mở rộng đối tượng một cách tối đa sẽ tạo ra sự bất an” ông Hải nhấn mạnh.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng nên chăng, trong Nghị định 117 bổ sung rõ ràng hơn vấn đề liên quan đến mục đích khai thác thông tin. Các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin nói rõ mục đích sử dụng thông tin.
"Trong trường hợp mục đích không phù hợp với pháp luật hay không có căn cứ chẳng hạn (như không có quyết định phạt vi phạm hành chính, không có quyết định khởi tố vụ án, hay cơ sở chứng minh có sự liên quan) thì ngân hàng có quyền từ chối cung cấp thông tin. Có thể hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng như vậy” luật sư Tuấn Anh khuyến nghị.