Loài trai Lissarca miliaris được mô tả lần đầu tiên vào năm 1845 và hành vi sinh sản của chúng được nghiên cứu từ thập niên 70. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học của Trung tâm Hải dương Quốc gia tại thành phố Southampton, Anh phát hiện ra rằng chúng có khả năng chuyển đổi giới tính, BBC đưa tin.
Những con trai Lissarca miliaris ở Nam Cực. Ảnh: Adam Reed. |
"Những nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào trứng và con của chúng", Adam Reed, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Trung tâm Hải dương Quốc gia, phát biểu.
Reed cho biết, trai Lissarca miliaris nuôi con trong 18 tháng, từ khi lũ trai con chỉ là những quả trứng tới lúc chúng có vỏ hoàn chỉnh. Những con cái có thể nuôi tới 70 con non trong vỏ của chúng.
Khi xem xét kỹ, Reed và các cộng sự phát hiện các mô đặc trưng của trai đực trong cơ thể trai cái. Họ cho rằng những con trai có cơ quan sinh dục đực ở giai đoạn đầu đời. Tới giai đoạn trưởng thành, chúng biến thành cá thể cái để đẻ trứng.
Trai Lissarca miliaris nuôi con trong cơ thể của chúng. Ảnh: Adam Reed. |
"Sự chuyển đổi giới tính là đặc điểm khác thường đối với động vật nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở Nam Cực. Song có lẽ đặc điểm này sẽ trở nên phổ biến trong 10 năm tới. Rất có thể nhiều loài động vật khác ở Nam Cực cũng có khả năng tương tự", Reed nhận định.
Ngậm trứng trong thời gian dài là một đặc tính sinh sản khá phổ biến ở trai và một số động vật không xương sống tại Nam Cực. Trong môi trường lạnh giá, tốc độ sinh trưởng của động vật giảm mạnh so với mức bình thường. Vì thế nuôi con trở thành một công việc vô cùng nặng nhọc. Trai ngậm trứng càng lâu thì thời gian nuôi con càng giảm.
Các chuyên gia chưa hiểu tại sao trai tại Nam Cực phải chuyển đổi giới tính khi tới độ tuổi sinh sản.
"Phát hiện của chúng tôi cho thấy loài người vẫn chưa biết nhiều về những động vật không xương sống ở Nam Cực", Reed bình luận.