Dân Việt

Chuyện lạ ở Hà Nội: Nộp 13 tỷ, 5 năm vẫn không có đường vào cơ quan

Đình Việt 01/11/2018 11:50 GMT+7
Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, 3 cơ quan của Bộ Y tế phải bỏ tiền để thuê đường vào từ một đơn vị khác, dù đã đóng đủ tiền nâng cấp hạ tầng từ nhiều năm trước.

Nộp tiền nhiều năm vẫn không có đường

Theo tài liệu mà PV Báo điện tử Dân Việt có được, cuối năm 2007, Bộ Y tế phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở cơ quan Dân số.

Năm 2008, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 2882/QĐ-UBND về việc thu hồi 2.821m2 đất (lô D20 KĐT mới Cầu Giấy) tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy và xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) giao cho Tổng cục DS-KHHGĐ để xây dựng trụ sở làm việc.

img

Trụ sở làm việc của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế). Ảnh: Đình Việt

Tiếp đó, năm 2010, Tổng cục DS-KHHGĐ đã nộp đầy đủ toàn bộ số tiền tạm tính để giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng cho UBND TP Hà Nội (hơn 21 tỷ), đơn vị nhận tiền là Ban quản lý Dự án quận Cầu Giấy.

Trong số tiền này, khoảng 8 tỷ đồng dùng để giải phóng mặt bằng dự án và đã được chi cho người dân có đất nằm trong diện bị thu hồi.

Hơn 13 tỷ đồng còn lại để đầu tư hạ tầng trong đó có đường vào. Cuối năm 2013, dự án xây dựng trụ sở làm việc của Tổng cục DS-KHHGD hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, dù tòa nhà đã đưa vào vận hành nhưng Ban quản lý Dự án quận Cầu Giấy vẫn không đầu tư hạ tầng, đường vào. Tháng 7.2013, ông Hồ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGD đã ký công văn gửi UBND quận Cầu Giấy, Ban quản lý Dự án quận Cầu Giấy đề nghị các đơn vị này thực hiện đầu tư hạ tầng, đường vào tòa nhà Tổng cục Dân số.

Tuy nhiên, Ban quản lý Dự án quận Cầu Giấy không có văn bản nào hồi âm. Trước sự chậm trễ kéo dài nêu trên, ngày 13.7.2017, Tổng cục DS-KHHGD đã phải mời lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy, Ban quản lý Dự án quận Cầu Giấy, lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm, Ban quản lý Dự án quận Nam Từ Liêm họp để giải quyết sự việc.

Vì đâu nên nỗi?

Tại cuộc họp này các bên đều thống nhất ủng hộ việc đầu tư hạ tầng, đường vào của Tổng cục Dân số. Sau đó, tháng 9.2017, UBND quận Cầu Giấy gửi văn bản lên UBND thành phố Hà Nội báo cáo về việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 – Khu đô thị mới Cầu Giấy.

img

Đã nộp tiền nhiều năm, nhưng đoạn đường vào đơn vị này vẫn không được đầu tư. Ảnh: Đình Việt

UBND quận Cầu Giấy đưa ra thực trạng đầu tư chưa đồng bộ, hoàn thiện khiến các cơ quan nhà nước không có đường vào. UBND quận Cầu Giấy kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục cho quận có quyền được thẩm định, phê duyệt các dự án GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần còn lại của ô đất lô D20 theo văn bản ủy quyền số 4886/UBND-KH&ĐT ngày 16.6.2011 của UBND thành phố Hà Nội.

Văn bản này cũng đề xuất UBND thành phố giao UBND quận Nam Từ Liêm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích thuộc địa giới hành chính của quận Nam Từ Liêm. Về nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án, UBND quận Cầu Giấy đề nghị lấy từ Quỹ phát triển đất thành phố.

Tuy nhiên, hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày quận Cầu Giấy gửi báo cáo nêu trên, TP Hà Nội vẫn chưa có chủ trương để giải quyết vấn đề đường vào trụ sở của Tổng cục DS-KHHGĐ.

Tới ngày 16.10.2018, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, đến nay quận chưa nhận được văn bản chỉ đạo nào của UBND thành phố Hà Nội về vấn đề nêu trên. Vì vậy, phần hạ tầng, đường vào của tòa nhà Tổng cục vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý.

Trước sự việc này, Luật sư Phạm Ngọc Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là điển hình của việc chậm trễ trong công tác đầu tư của Hà Nội. Hậu quả gây ra khiến cả ngàn cán bộ nhà nước, các công dân, tổ chức, cá nhân liên quan không có đường vào.

"Các đơn vị bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu Hà Nội bồi thường số tiền phải bỏ ra để thuê đường vào trong 5 năm qua. Thậm chí có thể yêu cầu Hà Nội hoặc cán bộ tắc trách phải bồi hoàn số tiền lãi phát sinh từ 13 tỷ đồng đã nộp trong 5 năm vào ngân sách nhà nước vì số tiền này là tiền ngân sách cấp cho Tổng cục Dân số" - luật sư Minh nói.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tính – Chánh Văn phòng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, hiện nay, tòa nhà có 3 đơn vị của Bộ Y tế với gần 1.000 cán bộ, công nhân viên đang làm việc. Vì không có đường vào nên mỗi khi có mưa, cổng cơ quan biến thành ao nước khổng lồ, gây ngập úng cục bộ, các cán bộ phải đi cửa ngách mở nhờ sang một đơn vị khác để vào ra.