Giá trị gấp 3 lần lúa thường
Vụ mùa năm nay, xã Hà Lĩnh đưa vào gieo cấy giống nếp hạt cau đặc sản của địa phương trên trên diện tích 125ha, do thời gian sinh trưởng dài ngày hơn so với giống lúa thường nên vào thời điểm này lúa mới bắt đầu chín rộ.
Nếp hạt cau đang được chính quyền địa phương đưa vào kế hoạch xây dựng thương hiệu. Ảnh: Trịnh Xuân Lục
Giống nếp này chủ yếu được trồng ở 2 khu vực là đồng Côi và đồng Trước với năng suất bình quên từ 36-40 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 450-500 tấn. Giá bán hiện nay của nếp hạt cau giao động khoảng 1,8- 2 triệu đồng/tạ (từ 55-70 triệu/ha) cao hơn lúa nếp khác 700.000 – 800.000 đồng/tạ.
Để thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa nếp hạt cau, xã đã chỉ đạo cho các HTX Nông nghiệp huy động tới 7-8 máy gặt đập liên hợp kết hợp với gặt tay chỉ trong vòng 5 ngày toàn bộ lúa nếp Hạt cau đã được người dân thu hoạch xong.
Nhận thấy sản phẩm nếp hạt cau đang được thị trường ưa chuộng, từ năm 2015, huyện Hà Trung đã chỉ đạo 2 xã Hà Lĩnh và Hà Long khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi diện tích sản xuất các giống lúa thông thường sang trồng giống lúa nếp hạt cau.
Các HTX nông nghiệp phải huy động máy gặt đập để gặt lúa nếp hạt cau trong vòng 5 ngày. Ảnh: Trịnh Xuân Lục
Để phát triển lúa nếp hạt cau, xã Hà Lĩnh vận động gần 1.000 hộ dân của các thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn 5, thôn 6, thôn 15 duy trì và gieo cấy giống lúa này đã được xã quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, để tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất và giữ được giá trị của giống lúa nếp hạt cau, xã Hà Lĩnh đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đăng ký thương hiệu “lúa nếp hạt cau Hà Lĩnh” đồng thời xã xây dựng phương án có hướng phát triển, mở rộng diện tích và bảo tồn nếp hạt cau bền vững.
Chú trọng nâng cao chất lượng giống
Lúa nếp hạt cau là giống lúa bản địa quý được trồng rải rác ở một số huyện trong tỉnh, khi chín vỏ hạt màu cau khô, hạt gạo tròn, trắng đục, năng suất thấp nhất đạt trên 38 tạ/ha, giá trị thu nhập cao gấp 2-3 lần lúa thường. Nhờ chất lượng gạo thơm, dẻo, đậm đà, lúa nếp hạt cau được nhiều người ưa chuộng, từ nguồn lúa nếp hạt cau có thế chế biến ra rượu nếp cái hạt cau, sản phẩm gạo, bánh từ nếp hạt cau...
Nếp hạt cau khi chín vỏ hạt màu cau khô, hạt gạo tròn, trắng đục. Ảnh: Trịnh Xuân Lục
Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích gieo cấy lúa nếp hạt cau còn gặp khó khăn do nguồn giống đã có sự thoái hóa trong nhiều năm trước đó, khiến cho nguồn gen này đang dần bị mất đi. Từ thực tế đó, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kĩ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện nghiên cứu, sản xuất lúa qua từng mùa.
Trong vụ mùa 2015, Trung tâm tiến hành thu thập, đánh giá, lấy mẫu 20 kg lúa của 20 hộ dân đang trồng lúa nếp hạt cau tại hai xã Thạch Bình, xã Thạch Đồng, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) để nghiên cứu, sàng lọc. Qua đó, Trung tâm chọn được 12 kg hạt lúa có màu sắc hạt gạo, hương thơm phù hợp với bản mô tả giống lúa nếp hạt cau gốc đang lưu trữ tại Trung tâm.
Từ nguồn vật liệu thu thập được, Trung tâm tiến hành gieo trồng các hạt để chọn ra các cá thể ưu tú. Trong số 500 cá thể theo dõi, có 250 cá thể đúng với mô tả giống gốc. Từ đó, Trung tâm tiến hành so sánh các chỉ tiêu hình thái của hạt với bản mô tả gốc, đánh giá độ dẻo, hương thơm của giống để chọn lọc 48 dòng ưu tú tiếp tục gieo ở vụ mùa sau.
Ông Lê Khắc Chiến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kĩ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Trung tâm đang thực hiện quy trình bảo quản, lưu giữ nguồn gen lúa nếp hạt cau tại chỗ thuộc xã Thạch Bình, Thạch Đồng, huyện Thạch Thành góp phần giữ được phẩm chất tốt của giống lúa cổ truyền, giúp nhân dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ đánh giá thử nghiệm tỷ lệ nảy mầm đối với các giống trên để xác định thời gian bảo quản trong kho lạnh sâu hợp lý, qua đó đưa ra phương án bảo quản tốt nhất nguồn gen quý lúa nếp hạt cau