Dân Việt

Hái mạc khén đầu mùa, nông dân vùng cao xứ Nghệ thu về tiền triệu

Đào Thọ 02/11/2018 14:00 GMT+7
Dù mới bước vào đầu mùa của mạc khén (tiêu rừng) nhưng người dân ở vùng cao xứ Nghệ đã thu về tiền triệu.

Mạc khén còn được gọi là tiêu rừng, một loại cây thân gỗ mọc tự nhiên có nhiều ở trên các cánh rừng vùng cao Nghệ An. Từ lâu loại quả này đã được người dân dùng làm gia vị trong các món ăn. Không chỉ bó hẹp trong cộng đồng người Thái, Mông, Khơ mú… mà hiện nay, mạc khén còn được nhiều thực khách biết đến.

img

Mạc khén (tiêu rừng) được bày bán ở các tuyến đường vùng cao Nghệ An. Ảnh: Đào Thọ

Những ngày này, dọc các tuyến đường ở các huyện vùng cao như Tương Dương, Kỳ Sơn, nhiều người bày mạc khén ra khắp nơi để bán và hút khách mua. Mạc khén vừa được lấy từ rừng về, quả đang tươi xanh và được bó lại thành từng chùm. Tùy theo loại, chùm nhỏ có giá 5.000 đồng, chùm lớn 10.000 đồng.

img

Mạc khén vừa được hái từ rừng về. Ảnh: Đào Thọ

Anh Và Bá Xềnh ở bản Liên Sơn (xã Nậm Càn - Kỳ Sơn) cho hay: Vào thời điểm giữa tháng 10 trở đi mạc khén có thể bắt đầu cho thu hoạch. Đây cũng là lúc gia đình anh rủ nhau lên rừng thu hái về bán cho các thương lái hoặc khách qua đường. Đang đầu mùa nên mạc khén dễ tìm hơn. Nếu hái cả ngày thì mỗi thành viên trong gia đình có thể hái được 30-40 bó, tính ra cũng được hơn 500 nghìn đồng/ngày.

img

Những quả tiêu rừng đầu mùa còn tươi xanh. Ảnh: Đào Thọ

Mang một bế mạc khén sau lưng đem nhập cho các cửa hàng ăn uống ở địa bàn xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn), chỉ một thoáng, chị Chích Thị Quang ở bản Lưu Thắng đã nhận về số tiền hơn 400.000 đồng. Theo chị, tranh thủ những ngày gặt trên nương rẫy đã xong, chị và nhiều người trong bản đều đi tìm mạc khén để bán. Bởi loại quả này chỉ xuất hiện trong thời gian vài tháng rồi rụng nên bà con tranh thủ kiếm thêm thu nhập. “Mới đi hái được một tuần nhưng gia đình tôi cũng được gần 2 triệu đồng rồi” - chị Quang phấn khởi cho biết.

img

Để làm gia vị cho món ăn, mạc khén phải được phơi khô trên gác bếp. Ảnh: Đào Thọ

Cũng chính vì đây là loại quả tự nhiên trên rừng nên gặp được cây nào, người dân tận thu luôn cây đó. Chị La Thị Thân trú ở bản Cây Me (xã Thạch Giám - Tương Dương) chia sẻ: “Ngày càng có nhiều người đi hái mạc khén về bán nên mới đầu mùa, quả còn non cũng bị hái về hết. Hơn nữa, việc tận thu như thế này ngày càng khiến mạc khén hiếm hoi hơn. Những năm trước đi gần nhà có thể hái được cả bế nhưng dạo này phải đi cả ngày trời”.