Lo ngại “ngưỡng tồn dư tối đa”
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, trong 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng mạnh và khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Hiện, xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên, riêng 5 mặt hàng gồm tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch 3 tỷ USD/năm.
Nông dân cần được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Ảnh: T.L
"Các chỉ số MRL thay đổi từng ngày và không đồng nhất giữa các quốc gia, thị trường khác nhau... Chưa kể, nhiều thị trường còn đưa ra các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cực kỳ khắt khe. Áp dụng tiêu chuẩn MRL quá thấp mà không dựa trên cơ sở khoa học nào sẽ khiến nhà xuất khẩu khó đáp ứng”. Ông Trần Thanh Tùng - |
Kết quả thống kê là vậy nhưng trên thực tế, nông sản Việt Nam vẫn đang hàng ngày đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, rào cản lớn nhất vẫn là các tiêu chuẩn về chất lượng, mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Chỉ tính riêng thị trường châu Âu, trong năm 2017, có đến 90 trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này bị cảnh báo hoặc trả hàng về do các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 40 trường hợp bị cảnh báo và từ chối cho phép nhập khẩu. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước có số trường hợp bị cảnh báo và trả hàng về từ châu Âu nhiều nhất.
Theo các chuyên gia, phần lớn các lô hàng bị trả về do các vi phạm liên quan đến vượt ngưỡng hàm lượng tồn dư tối đa thuốc BVTV trong nông sản, thực phẩm (MRL). Trong đó, MRL (mg/kg) là hàm lượng tối đa của một tồn dư thuốc BVTV trong thực phẩm do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế (CXL) hoặc Cơ quan quản lý tại quốc gia (MRL) quy định.
Ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam (Cục BVTV) cho biết, MRL không phải là tiêu chuẩn về ngưỡng độc tính mà là tiêu chuẩn thương mại thực phẩm quốc tế được thiết lập trên cơ sở GAP. Mục đích của việc thiết lập MRL là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh hàng nông sản và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều tồn tại từ khâu quản lý
Để đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu về ngưỡng tồn dư thuốc BVTV trên nông sản, thực phẩm, cần siết chặt quản lý sản xuất kinh doanh thuốc BVTV đến quy trình sử dụng trên ruộng đồng, chú ý các tiêu chuẩn MRL của từng thị trường nhập khẩu.
TS Jason Sandahl - cố vấn kỹ thuật an toàn thực phẩm, Văn phòng Xây dựng và Phát triển nhân lực (Cục Nông nghiệp nước ngoài, Bộ Nông nghiệp Mỹ) cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, hầu hết người sản xuất nông nghiệp không nắm được các quy định về MRL của thị trường nhập khẩu. Việc thiếu thông tin dẫn tới quy trình canh tác, chế biến không đáp ứng được yêu cầu của người nhập khẩu, nông dân sử dụng sai cách hoặc lạm dụng thuốc BVTV dẫn đến tồn dư trong sản phẩm.
Do đó, cơ quan chức năng cần giúp nông dân có cơ hội tiếp cận các sản phẩm ít rủi ro hơn, đồng thời, bổ sung nhiều công cụ kiểm soát dịch hại cây trồng cho mùa vụ sản xuất. Từ đó, giảm các trường hợp vi phạm MRL trên sản phẩm xuất khẩu.
Còn theo TS Trần Thanh Tùng, nguyên tắc chọn thuốc BVTV nhằm giảm nguy cơ tồn dư vượt ngưỡng cho phép là ưu tiên chọn các thuốc có hoạt chất đã được quy định MRL. Đối với các hoạt chất chưa có quy định MRL, có thể sử dụng ở đầu vụ, tránh sử dụng vào giai đoạn cuối vụ mà thay thế bằng các sản phẩm sinh học.
Theo ông Vasant L.Patil - đại diện Tổ chức Croplife châu Á, mặc dù Việt Nam đã có văn bản quy định và xây dựng các tiêu chuẩn về MRL tuy nhiên việc thực thi, quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Để hạn chế những rủi ro do nông sản vượt ngưỡng MRL, trước hết cần có vai trò của ngành khoa học cây trồng, tạo ra thuốc BVTV an toàn hơn, công nghệ tốt hơn, đẩy mạnh sản xuất theo GAP và hướng dân nông dân sử dụng thuốc đúng cách.
Ông Patil cũng cho rằng, cần nâng cao năng lực quản lý quốc gia trong việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu; giáo dục, thực hiện các hoạt động khuyến nông cho người nông dân; đẩy mạnh hệ thống canh tác luân canh, kết hợp quản lý dịch hại…