Dân Việt

Cho vay chỉ cần 1 giây, nhân viên ngân hàng mất việc?

Huyền Anh 02/11/2018 06:45 GMT+7
Chỉ với 3 phút có thể đăng ký khoản vay, 1 giây nhận được quyết định được vay hay không mà không hề cần tới sự can thiệp của con người đó là 1 mô hình ngân hàng hoàn hảo Việt Nam hướng tới. Điều này buộc các ngân hàng phải thay đổi lại bài toán nhân sự.

Ngày 1.11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế Thường niên ngành Ngân hàng Tài chính với chủ đề “Số hóa ngân hàng – Cơ hội đột phá” do Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước và Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính đồng tổ chức.

Hội thảo là diễn đàn thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm triển khai số hóa từ các diễn giả của ngân hàng đa quốc gia, hãng công nghệ hàng đầu, tập đoàn tư vấn quốc tế với các ngân hàng Việt Nam, qua đó hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam triển khai ứng dụng thành công công nghiệ 4.0 trong quản trị kinh doanh, gia tăng khả năng tiếp cận tài chính của khách hàng và mở rộng thị phần, đồng thời quản trị tài năng và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cạnh tranh của ngân hàng.

Nguyên tắc 3 - 1- 0

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong chuyển đổi số hiện nay, khẩu hiệu của nhiều ngân hàng trên thế giới là 3-1-0. Đây cũng là mô hình hệ thống ngân hàng chúng ta đang hướng đến.

Ông Phạm Tiến Dũng lý giải: “3 là cung cấp dịch vụ online với trải nghiệm rất tốt để khách hàng để khách hàng có thể tiếp cận món vay và đăng ký trong 3 phút.

img

Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chia sẻ tại Hội thảo

1 là trong vòng 1 giây, hệ thống sẽ tự động trả lời đồng ý hay không đồng ý cho giải ngân món vay đó. Ở đây chúng ta nói đến big Data, câu chuyện trí tuệ thông minh, và rất nhiều thứ khác. Và cuối cùng 0 là không có con người nào can thiệp vào quá trình xử lý khoản vay.”

Theo ông Dũng, “nếu thực hiện được 3 con số đó thì chúng ta trở thành ngân hàng số hoàn hảo".

Tại Việt Nam, theo vụ trưởng Vụ Thanh toán, hiện nay ở Việt Nam cũng đã có công ty Fintech có thể thẩm định món vay chỉ trong 5 phút.

Ông Phạm Tiến Dũng cũng thông tin thêm, 5 năm vừa qua, thanh toán qua mobile banking đã tăng trưởng rất mạnh, đạt mức 144%/năm. Trong khi đó, các hình thức thanh toán truyền thống khác chỉ tăng trưởng 40%.

Vì vậy, có thể nói có một làn sóng về số hoá đang ập đến đối với ngành tài chính – ngân hàng. Để đón nhận làn sóng mới này, theo ông Phạm Tiến Dũng, các ngân hàng cần chuẩn bị 5 yếu tố chính: mô hình tổ chức quản trị, lấy khách hàng làm trung tâm, thiết kế sản phẩm dịch vụ, an toàn bảo mât và nguồn nhân lực.

Cắt giảm nhân sự hay cơ cấu lại bộ máy?

Theo kết quả khảo sát từ Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 4.2018, có 94% ngân hàng trong nước đang tiến hành chuyển đổi số, trong đó, có khoảng 42% tổ chức tín dụng coi ngân hàng số là chiến lược kinh doanh. Xu thế này tạo ra sự xáo trộn cũng như những thay đổi to lớn về lực lượng lao động trong ngành dịch vụ tài chính. Đặc biệt là thay đổi về cầu lao động.

Chia sẻ tại hội thảo, ông II Dong, Chuyên gia tư vấn cao cấp về kinh doanh Ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số, khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Oliver Wyman cho biết, trong kỷ nguyên số, xấp xỉ 45% công việc hiện tại trong khu vực tài chính có thể được tự động hóa và gần 30% công việc còn lại sẽ đưa ra những nhiệm vụ chính rất khác biệt. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% những công việc này là thực sự bị đe dọa. Điều này có nghĩa rằng, nhân sự trong ngành ngân hàng cũng sẽ có sự thay đổi nhất định trong kỷ nguyên số từ số lượng nhân viên, độ tuổi cũng như trình độ của mỗi cán bộ công nhân viên ngân hàng.

Bàn luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Sơn, phó Tổng giám đốc ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietpostbank) khẳng định, công nghệ chắc chắn sẽ tác động tới nhân sự của ngân hàng nhưng tác động theo hướng không phải là tiết giảm mà theo hướng tổ chức lại bộ máy. Tức là có những bộ phận trước đây sử dụng rất là nhiều nhân sự thì hiện nay việc số hóa giảm đi rất là nhiều nhân sự ở bộ phận đó nhưng mà đồng thời lại làm tăng nhân sự ở bộ phận khác.

"Ví dụ việc sử dụng Ví điện tử giúp chúng tôi huy động rất nhiều thì ngay lập tức chúng tôi phải nghĩ đến việc làm sao tổ chức lại mô hình tổ chức nhân sự tại chi nhánh và phòng giao dịch. Trước đây, chi nhánh phòng giao dịch có thể có 5 giao dịch viên thì nay chỉ cần 3 giao dịch viên vì số hóa giúp cho việc tiếp cận khách hàng không cần thiết nhiều như thế. Nhưng đồng thời, bộ phận dịch vụ khách hàng lại sẽ phải tăng số lượng nhân viên”, bà Sơn cho biết.

img

 Khách hàng trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số bên lề Hội thảo

Câu chuyện ở đây không phải giảm số lượng nhân sự, mà chỉ là thay đổi lại cách tổ chức bộ máy kể cả cơ cấu tổ chức nữa từ cấp chi nhánh, phòng giao dịch cho đến cấp hội sở. Ngay bản thân Lienvietpostbank trong 5 năm vừa rồi cũng đã có 3 lần thay đổi cơ cấu mô hình tổ chức để phù hợp hơn

“Nhưng cái khó của chúng tôi đó là vấn đề thuyết phục. Thuyết phục nhân viên chuyển đổi từ vị trí công tác này sang vị trí công tác khác là cả 1 quá trình không hề dễ dàng”, vị lãnh đạo ngân hàng này bày tỏ.

Đồng quan điểm, đại diện ngân hàng Quân đội MB cũng nhìn nhận, “không thể nói là việc số hóa ngân hàng không có tác động tới cán bộ công nhân viên ngân hàng. Tuy nhiên việc tiết giảm nhân sự trong ngân hàng là tốt cho cả ngân hàng và cả dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Khi có con người vào thì dịch vụ có thể chậm hơn và có những sai sót nhất định so với số hóa”

“Còn việc chuyển dịch nhân sự từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác phía ngân hàng sẽ có sự điều tiết phù hợp, chứ không phải buộc nhân viên thôi việc” ông này khẳng định.