Ngày 1.11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế Thường niên ngành Ngân hàng Tài chính với chủ đề “Số hóa ngân hàng – Cơ hội đột phá” do Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước và Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính đồng tổ chức.
Bàn về hệ sinh thái số của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng ở đâu trong thang điểm 10 tại phiên tọa đàm của Hội thảo và quan điểm như thế nào trước sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép cho một số loại hình dịch vụ số hoá, ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc Moca nói: “Nhìn ở góc độ của người làm thanh toán số, tôi chấm 5,5 điểm về mặt giao dịch thôi”.
Ông Nam cho rằng, những vướng mắc mà một số đơn vị đang phản ánh, phải thấy là cơ quan quản lý phải nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Họ cũng có lý khi lựa chọn cái gì trước, sau, nhanh hay chậm.
“Có những lúc, không phải chỉ có Ngân hàng Nhà nước mà còn các bộ ngành khác. Tôi nghĩ còn vướng mắc thì hãy cùng nhau tháo gỡ, chứ không phải quay lại trách móc Ngân hàng Nhà nước”, ông Nam phân trần.
Tuy nhiên, yếu tố “quản lý” trong hệ sinh thái số chỉ là một vấn đề. Điều thu hút sự quan tâm của hội thảo lần này hơn cả là về dữ liệu nhìn ở các góc độ: sự đồng nhất, tương thích và chia sẻ.
Ông Oliver Wyman nhấn mạnh thêm: “Tôi cũng nhận thấy chất lượng dữ liệu, tính đồng bộ, tích hợp của thông tin chưa ổn và vì vậy, cần phải đầu tư nhiều hơn vào đây. Chuyển đổi số không phải dự án công nghệ thông tin đơn thuần mà là cuộc cách mạng căn bản”.
Các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của ông Lê Nhân Tâm, giám đốc công nghệ IBM Việt Nam, thực trạng dữ liệu Việt Nam không liên thông, không sạch, không đồng nhất. Vì vậy, phải có một chiến lược về dữ liệu, quản trị, kết nối và chia sẻ.
Một chuyên gia khác cho rằng, ngoài ra, con đường số hoá ngân hàng còn bị chậm trễ bởi một yếu tố nữa là xác thực bằng phương pháp phi truyền thống còn rất nhiều trở ngại. Ví dụ, khi chưa có chứng minh thư điện tử, vẫn phải xác thực bằng chứng minh thư bằng nhựa (truyền thống). Tuy nhiên, phương pháp này hiện bị làm giả khá nhiều: bóc ảnh, thay đổi yếu tố thông tin trên chứng minh nhân dân mà bằng mắt thường rất khó phát hiện, nhất là đối với sinh viên mới ra trường.
Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, giải pháp kỹ thuật như quay video, lấy vân tay mặc dù tốt hơn phương pháp đối chiếu trực diện chứng minh nhưng để chia sẻ nguồn dữ liệu vân tay như thế nào, hiện nay khá là nan giải.
Hiện tại, ngành công an có kho dữ liệu về vân tay, nếu được kết nối giữa mạng ngân hàng với ngành này, chỉ cần gửi mẫu vân tay đến kho, xác thực đúng vân tay thì có thể cho tiến hành giao dịch như các nước đã từng làm.
Đã nhiều lần Ngân hàng Nhà nước đề cập vấn đề cho dùng chung kho dữ liệu nhưng đến nay vẫn phải… chờ.
Cũng tại tọa đàm, một chuyên gia nhấn mạnh rằng “Như con người sinh ra cần qua quá trình học, khám phá… thông minh lên. Số hóa cũng cần có dữ liệu để hiểu doanh nghiệp, tổ chức vận hành như thế nào hay hành vi của khách hàng ra sao. Dữ liệu không thể ngay lập tức có mà cần tích lũy. Giống như đi học, không thể ngày một ngày hai mà phải là 1 quá trình.
Muốn ứng dụng hệ thống thông minh, ứng dụng có khả năng phân tích thông minh, cần xem chúng ta đã và đang có dữ liệu gì, đứng ở đâu và chiến lược dữ liệu như thế nào? Chúng ta sẽ sử dụng năng lực tính toán nào trong tương lai. Từ đó xác định cần lưu trữ cái gì. Không phải mua hệ thống về là có Big data”, vị này phân tích.
Tuy nhiên, ông Dong Kwon cho rằng chuyển đổi sang số nhưng đừng quên sản phẩm truyền thống vì có tới 90% nguồn thu vẫn ở đó. "Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình digital banking, nên vẫn không được quên yếu tố căn bản đó là ngân hàng quầy, phòng giao dịch. Các cơ quan quản lý nên tạo điều kiện cho các dòng truyền thống và số phát triển song song để thị trường nhận thấy sự khác biệt” ông Lili Dong Kwon, Giám đốc Oliver Wyman Việt Nam (Tập đoàn tư vấn Oliver Wyman) khuyến nghị.