Dân Việt

Giá nông sản hôm nay 2/11: Giá cà phê chấm dứt “màn” tụt giảm, đến lượt giá tiêu biến động

Nguyễn Tố 02/11/2018 09:15 GMT+7
Nếu như hôm qua, thị trường nông sản ghi nhận một ngày trầm lắng của cả 2 mặt hàng chủ lực là cà phê và hồ tiêu, thì hôm nay 2/11 đã có sự biến động nhẹ. Theo đó, giá cà phê tăng thêm 700 đồng/kg, dao động ở mức 35.900 – 36.900 đồng/kg; ngược lại giá tiêu giảm 1.000 đồng ở hầu khắp các địa phương, dao động từ 58.000-60.000 đồng/kg.

Cà phê tăng theo đà phục hồi của thị trường thế giới

Mở đầu phiên giao dịch sáng nay 2/11, giá cà phê tại thị trường Tây Nguyên tăng nhẹ, trung bình 700 đồng/kg. Cụ thể, tại Lâm Đồng, giá cà phê tăng từ 35.500 đồng/kg ngày hôm qua lên 36.200 đồng/kg.

img

Giá cà phê hôm nay 2/11 đã tăng nhẹ 700 đồng/kg. Ảnh minh họa.

Tương tự tại Đắk Lắk giá cà phê hôm nay 2/11 cũng tăng nhẹ. Huyện Cư M’gar giá cà phê là 36.900 đồng/kg, còn ở Ea H’leo và Buôn Hồ đều có chung giá 36.800 đồng/kg.

Tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, giá cà phê hôm nay 2/11 dao động ở mức 36.700-36.800 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao tháng 1/2019 trên sàn ICE lúc 15h15 ngày 1/11 tăng mạnh 2,3% lên 1.715 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn New York lúc 17h30 ngày 1/11 tăng 4,4% lên 118 UScent/pound.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, giá cà phê tăng vì ảnh hưởng từ đà phục hồi tới 2 - 4% của giá cà phê thế giới cuối phiên hôm qua.

Tại Hội thảo "Hành trình từ hạt Cà Phê đến Cup”, chia sẻ về tổng quan thị trường cà phê Trung Quốc thông qua Bigdata, ông Tony Wong, Giám đốc cuộc thi Barista thế giới 2012 - 2018, cho biết năm 2017 - 2018 thị trường tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đạt 934,8 triệu tấn, tăng 21% so với năm trước. Sản lượng sản xuất chỉ dừng ở con số 9,6 triệu tấn, giảm nhẹ so với niên độ 2016 - 2017 do thời tiết khắc nghiệt.

So sánh so với thị trường khác như Mỹ (3,6%), Nhật (1,7%) thì lượng tiêu thụ cà phê của Trung Quốc lớn nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng kép đạt 30%. Ông dự báo tốc độ này trong giai đoạn 2015 - 2020 là 33,8%.

Ông Tony Wong cho hay, thị trường cà phê Trung Quốc chủ yếu là cà phê hòa tan, chiếm 99% khối lượng và 98% giá trị của doanh số bán lẻ, mặc dù cà phê rang xay có tốc độ tăng nhanh hơn. Dạng cà phê hòa tan phổ biến nhất là 3 trong 1 chứa cà phê, đường và chất tạo màu trắng, cũng như các chất tạo mùi vị khác.

Mặc dù, Trung Quốc vẫn là quốc gia sử dụng trà chủ yếu với doanh số bán lẻ trà gần gấp 10 lần cà phê. Tuy nhiên ông Wong cho rằng, cà phê có tiềm năng rất lớn tại Trung Quốc bởi hế hệ trẻ thích uống cà phê trong văn phòng nhiều hơn trà.

Giá tiêu sẽ biến động trong khoảng hẹp

Trái ngược với sự chuyển biến tích cực của giá cà phê, giá tiêu hôm nay 2/11 lại giảm 1.000 đồng/kg ở hầu hết các vùng trồng tiêu chủ lực. Mức giá cao nhất được ghi nhận tại Bình Phước, địa phương này đang có giá tiêu 60.000 đồng/kg.

img

Các chuyên gia dự báo thời gian tới cả thị trường tiêu trong nước và thế giới sẽ có sự biến động nhưng trong khoảng hẹp. Ảnh minh họa.

Đắk Nông, Đắk Lắk và Bà Rịa – Vũng Tàu cùng có giá thấp hơn 1.000  đồng, ở mức 59.000 đồng/kg.

Hai địa phương có giá tiêu thấp nhất là Đồng Nai và Gia Lai, đều ở mức 58.000 đồng/kg.

Ở thị trường thế giới, trong ngắn hạn, Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo giá tiêu thế giới sẽ dao động trong khoảng hẹp. Thời gian tới giá tiêu trên thị trường thế giới có thể ổn định do vụ mùa Indonesia đã thu hoạch xong nhưng sản lượng ước tính tương đương hoặc thấp hơn năm ngoái, đồng thời mùa vụ sắp tới ở Ấn Độ trong tháng 12 được dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng của lũ lụt.

Ở trong nước, tình trạng tiêu chết diễn ra không chỉ ở tỉnh Đắk Nông mà còn ở cả tỉnh Quảng Trị. Theo Bộ NN&PTNT, mưa lớn kéo dài kèm theo độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng bệnh phát sinh gây hại mạnh trên cây hồ tiêu, đặc biệt bệnh chết nhanh ở tỉnh Quảng Trị.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị, tính đến giữa tháng 10, toàn tỉnh có 180 ha diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh. Trong đó diện tích hại nặng 2ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 3 - 5%, nơi cao 10%.

Việc mưa lớn kéo dài không có hệ thống thoát nước tốt làm rễ tiêu bị thối tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh Phytophthora spp có sẵn trong đất xâm nhập, tấn công ở bộ rễ và phần thân nằm trong đất của cây tiêu, khiến các mầm ngừng phát triển, lá chuyển màu xanh nhạt rồi biến thành màu vàng và rụng, phần dây thân trên mặt đất chết khô.