Mô hình sản xuất nấm của anh Nhi vừa được hỗ trợ dây chuyền đóng bịch phôi nấm bán tự động với 50% kinh phí hỗ trợ
Anh Nhi cho biết, trước khi đến với nghề nấm, anh làm nhiều nghề để kiếm sống. Thi rớt đại học, anh đi học nghề sửa xe. Sau một thời gian gắn bó không thành, anh vào TP.Hồ Chí Minh làm thuê đủ nghề để sống nhưng vẫn khó khăn.
“Sau đó, mình về quê, không biết làm gì để cải thiện cuộc sống, năm 2013, gia đình mất đất sản xuất vì nằm trong vùng quy hoạch khiến cuộc sống càng khó khăn hơn nên mình đã mày mò tìm hiểu về các mô hình kinh tế. Thấy nhiều người trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên mình bắt tay làm thử nghiệm”, anh Nhi chia sẻ.
Ban đầu, anh mua 2.000 bịch nấm bào ngư về trồng thử nghiệm trên diện tích 25 m2. Sau hai tháng, có nấm, anh Nhi đến các chợ tại địa phương để tiếp thị sản phẩm, anh thu về lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Sau đó, anh tiếp tục mở rộng lên diện tích 120m2. Tuy nhiên lần đầu tư này hiệu quả không cao do việc chăm sóc, ươm bịch chưa đúng cách do chưa có kinh nghiệm.
Anh Nhi bên máy hấp hơi nấm tự động do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 50% kinh phí được đưa vào sử dụng
Không nản chí, năm 2014, thấy tại xã có lớp dạy trồng nấm cho nông dân anh đã tham gia học 3 tháng. Ngoài ra, anh tiếp tục đi học hỏi ở những mô hình trồng nấm hiệu quả trên địa bàn.
Có chút kinh nghiệm, anh bắt đầu nhân rộng mô hình nấm, tiếp tục mò mẫm, học hỏi các kỹ thuật, kỹ năng trồng nấm linh chi và vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển mô hình.
Năm 2015, anh thành lập HTX nấm Nhơn Phước (Hòa Nhơn) kêu gọi 8 thành viên tham gia hợp tác xã sản xuất do anh làm giám đốc để mở rộng quy mô sản xuất và tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Ngoài diện tích tại nhà 300m2, hiện mô hình đã mở rộng quy mô sản xuất lên diện tích gần 2.000 m2 tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng trồng nấm thêm diện tích 400 m2.
Thành lập hợp tác xã, mở rộng quy mô sản xuất, mỗi năm anh Nhi bỏ túi 120 triệu đồng/năm từ trồng, cũng cấp bịch phôi nấm
Với diện tích trồng 700m2, mỗi năm anh trồng 2 đợt nấm linh chi và nấm dược liệu. Riêng nấm bào ngư treo bịch gối đầu quanh năm trên 28.000 bịch phôi. Ngoài ra, mỗi năm, anh còn cung cấp trên 100.000 bịch phôi giống cho hộ nông dân trên địa bàn thành phố và tỉnh Quảng Nam.
Mô hình sản xuất nấm được anh sử dụng các thiết bị máy móc tự động tưới nấm nhằm giảm chi phí chăm sóc. Cùng với đó, mô hình cũng được sự hỗ trợ của các cấp các ngành thành phố đưa thiết bị máy móc tự động vào sản xuất như máy sấy nấm, máy hấp bịch phôi nấm tự động, nhà nuôi trồng nấm ứng dụng công nghệ cao và dây chuyền đóng bịch phôi nấm bán tự động với 50% kinh phí hỗ trợ nhằm giảm giá thành trong sản xuất, giảm công lao động.
Anh Nhi cho biết, nấm bào ngư giá bán trung bình 35.000 đồng/kg, nấm linh chi, nấm dược liệu dao động từ 800.000-1.000.000 đồng/kg. Năm 2017, doanh thu hợp tác xã đạt 800 triệu đồng/năm, trừ chi phí hợp tác xã thu lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Tính riêng bản thân, mỗi năm “bỏ túi” 120 triệu đồng/năm.
Hiện anh Nhi đã trồng thử nghiệm thành công nấm Milky hoàng đế và sắp sản xuất
Nói về kinh nghiệm trồng nấm, anh Nhi chia sẻ, trồng nấm luôn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, do vậy quan trọng khi trồng phải khống chế được thời tiết, sản phẩm sẽ đạt chất lượng, đạt năng suất cao. “Đối với nấm bào ngư trong giai đoạn ươm, đóng bịch phôi cần chú ý tỷ lệ phối trộn nguyên liệu, hấp cách nhiệt để tránh rủi ro. Nhà trồng cần đảm bảo nhiệt độ từ 20-32 độ C, đảm bảo độ ấm đạt từ 85-90%, có độ thông thoáng…”, anh Nhi chia sẻ thêm.