Dân Việt

”Quả ngọt” từ sự phối hợp giữa Hội Nông dân và ngành nông nghiệp Gia Lai

Lưu Văn Bính 05/11/2018 12:54 GMT+7
Trong những năm qua ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn Gia Lai và Hội Nông dân tỉnh có nhiều hoạt động phối hợp tích cực, vận động nông dân thay đổi dần tập quán canh tác truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

img

Mô hình tiêu hữu cơ của hộ ông Ngô Văn Tiên (Nam Giang, Đắk Đoa)

Khắc phục khó khăn

Tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, biến đổi khí hậu cực đoan và giá nông sản xuống thấp nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế về nông nghiệp được giữ vững, 6 tháng đầu năm 2018 tăng 5,48% so với cùng kỳ. Năm 2018.Thực hiện chương trình phối hợp đã ký kết, đến nay, đã có 6 tổ chức (3 Doanh nghiệp: Nhà máy đường An Khê, Công ty TNHH MTV Thành Công Gia Lai, Công ty TNHH Ba Chăm Mang Yang và 3 Hợp tác xã: Long Hưng - Chư Pưh, Nam Yang - Đak Đoa, Tân Phượng - Đak Đoa) liên kết với nông dân để lập 08 dự án xây dựng cánh đồng lớn về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổng quy mô 2.591ha/23 cánh đồng lớn.

Theo đó, đã có 5 dự án lập 18 cánh đồng lớn với 2.200 ha mía (tại Phú Thiện, AyunPa, Ia Pa, Đăk Pơ, Kông Chro, Kbang); 2 dự án lập 2 cánh đồng lớn với 199,3 ha cà phê (tại Đak Đoa); 2 dự án lập 2 cánh đồng lớn với 192 ha lúa (tại Mang Yang và Chư Pưh).

Về xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Đến nay toàn tỉnh có 51 xã đạt 19 tiêu chí; 2 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 29 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 102 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí.

Hàng năm ngành nông nghiệp phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật với hàng chục nghìn lượt người tham dự với nội dung sát thực, hình thức phong phú như: Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng; Mô hình sản xuất Rau an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP; sản xuất lúa nước theo Mô hình ICM; Mô hình thâm canh hoa chất lượng cao bằng giống ghép và nuôi cấy mô; Mô hình quản lý bệnh trắng lá mía gây hại trên cây mía; Mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây Hồ tiêu; Mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa người dân và doanh nghiệp năm 2018; Các mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ cao.

Tổ chức 47 đợt tuyên truyền về phong trào toàn dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan và chăm sóc cây xanh; tác hại của rác thải và hướng dẫn phân loại rác thải với hơn 5.500 lượt người tham gia; tổ chức cuộc thi “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”; triển khai các mô hình “Bảo vệ môi trường chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Tổ phụ nữ tự quản”.

Ngoài việc triển khai tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân theo chương trình kế hoạch của Hội Nông dân, Sở NNPTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lồng ghép vào các chương trình tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên các loại cây trồng; phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm... đồng thời hướng dẫn nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác.

Thông qua các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và thay đổi dần tập quán canh tác cũ, sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới làm tăng hiệu quả kinh tế từng bước làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên nhiều lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp tỉnh Gia Lai.

7 giải pháp đồng bộ

Nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả, đưa nền sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở NNPTNT Gia Lai và Hội Nông dân tỉnh đã đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để triển khai đồng bộ các giải pháp, gồm có:

Quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và người dân và về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.

img

Hội viên ND xã IaKênh, Pleiku tham gia xây dựng nông thôn mới. 

Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với BĐKH; Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.

Tổng kinh phí dự kiến xây dựng các cánh đồng lớn đạt hơn 761,3 tỷ đồng. Toàn tỉnh, hiện có 20.617ha cây trồng các loại ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gồm: 2.608,3 ha hồ tiêu; 9.915,3 ha cà phê; 1.933,1ha cây ăn quả; 1.777ha rau, màu; 3,3ha hoa; 2.570,4ha mía; 1.809,6ha các loại cây trồng khác.

Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các vấn đề căn cốt trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình và các khâu chế biến, phân phối; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH của ngành; Tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ bản nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, bao gồm cả các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ Trung ương đến địa phương. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Củng cố và nâng cao hoạt động của các HTX Dịch vụ Nông nghiệp theo luật hợp tác xã. Xây dựng, nhân rộng các mô hình HTX dịch vụ chuyên ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp nâng cao hiệu quả cho sản xuất. Quan hệ sản xuất ở nông thôn tiếp tục được đổi mới, tiếp tục bồi dưỡng trình độ cho cán bộ HTX về nghiệp vụ và kiến thức tin học.

Tiếp tục nâng cao năng lực của mạng lưới khuyến nông viên cơ sở và BVTV cơ sở đến từng xã trong tỉnh, hỗ trợ nông dân áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất góp phần giảm giá thành trên đơn vị sản phẩm nông nghiệp.

Nhân rộng các mô hình hay

img

Cán bộ hội viên nông dân phường An Phú, TX An Khê tham gia hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo. 

Các mục tiêu của ngành nông nghiệp Gia Lai trong thời gian tới là nhân rộng quy mô của các mô hình có hiệu quả trong nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân, trong giai đoạn tới đưa ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao chất lượng nông sản, chuyển mạnh nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất với chế biến, kinh doanh, xuất khẩu nông sản.

Ngoài ra, tăng cường việc sử dụng có hiệu quả đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung, có cơ chế chính sách khuyến khích nuôi trồng các cây, con truyền thống giá trị kinh tế cao nhằm phát huy lợi thế từng vùng thâm canh và tạo vùng hàng hoá gắn với chế biến và bảo quản sau thu hoạch...

Để hoàn thành các mục tiêu này, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa ngành nông nghiệp với Hội Nông dân tỉnh đó là: Phối hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Nhà nước. Phổ biến các tiến bộ khoa học công nghệ, những mô hình sản xuất tốt để nông dân áp dụng vào sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ...

Tiếp tục kế thừa và thực hiện tốt hơn Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về liên kết “4 nhà” để bao tiêu sản phẩm cho nông dân; làm tốt hơn công tác quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến; đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Chỉ đạo đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Phối hợp các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, triển khai các chương trình dự án quan trọng có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Vận động hội viên phấn đấu tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu kinh tế, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới đó là công tác dồn đổi ruộng đất gắn với quy hoạch giao thông nội đồng, kiên cố hoá kênh mương, quản lý quy hoạch đất sản xuất lúa, quản lý môi trường nông thôn; chú ý phát triển sản xuất tăng thu nhập cho người nông dân.