Tây Ninh như một ngôi nhà trong hẻm sâu vắng vẻ, không nhiều “ồn ào” như những “nhà mặt tiền” khác. Do nằm sát biên giới, rừng núi với những con đường “thổ phỉ” lẩn khuất, không ít loại tội phạm mưu toan lợi dụng địa thế này để hoạt động, trong đó nổi lên là buôn lậu, từ thuốc lá, ma tuý và nổi bật là buôn người qua biên giới.
Không chỉ dụ người qua Campuchia đánh bạc, bọn tội phạm này còn dụ dỗ nhiều cô gái trẻ sang Campuchia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc… bán làm vợ, đưa vào các ổ mại dâm, lao động nô lệ…
Thủ đoạn dụ dỗ của bọn chúng là lợi dụng tình trạng nghèo khó của nhiều gia đình, nhất là các gia đình không có đất đai, phương tiện lao động và thu nhập thấp, dụ dỗ, cưỡng ép các cô gái nhẹ dạ đi theo chúng với lời phỉnh nịnh tạo cho công việc có lương cao…
Cô Yến (không phải tên thật) bị một tú bà tên Hương từng quen biết, dụ đưa ra nước ngoài lấy chồng với lời hứa hẹn có tương lai sáng lạn. Thấy Yến ngần ngừ, Hương dụ ngon ngọt bảo chỉ cần sang đó “lấy chồng” 6 tháng thôi, về sẽ có 30 triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Tiền nhiều thế, hơn cả mơ ước, lại còn được Hương tận tình “giúp đỡ”. Gái quê, không rành đường đi nước bước, chỉ cần đưa CMND thôi để lấy vé máy bay, còn lại Hương lo cho hết. Nhưng “lật kèo” là bị phạt 6,5 triệu đồng và bao hệ lụy khác…
Nhà nghèo, rách nát quá, cần tiền quá, nhắm mắt đưa chân. Chuyến bay đầu đời vừa hạ cánh xuống đất lạ, đã có người đón chu đáo, đưa lên xe. Xe chạy qua những phố lạ, rồi chẳng thấy phố nữa, mà chui vào một… hang đá, bị lấy hết đồ đạc, chỉ còn mỗi thân trơ khấc, kệ nằm đó.
6 giờ chiều, bị tống lên xe, lại chạy qua những cảnh lạ, vượt sông, chui hầm. Xe chạy 4 ngày liền, chẳng biết đến đâu nữa. 1 giờ sáng đến một ngôi nhà, bị đẩy vào phòng, một cái giường nhỏ mà 3 người nằm.
Người lạ tứ xứ, ngôn ngữ khác lại, chẳng ai hỏi han ai được cái gì. Các cô gái ở “trung tâm quốc tế” này cứ nằm đợi, kêu ai nấy đi, rồi lại về nằm chờ. Công “phục vụ” được trả chỉ là cái giường nhỏ kia để nghỉ và bữa ăn vui thì cho ăn, buồn thì ngày một bữa, èo uột nước tương, rau cải vườn để không bị chết vì đói.
Nhốt trong phòng, chỉ được ra khỏi phòng khi đi “làm việc” tại một phòng khác. Ai có điện thoại thì bị tịch thu ngay, không đồ đạc gì… Đòi hỏi, than vãn là bị đánh. Không biết tiếng, không có tiền, không biết đang ở đâu, bị kiểm soát rất chặt, như tù…
Bảy tháng như thế rồi bỗng được… thải. Được bán cho một người đàn ông. Về nhà ông ấy ở, bất quá cũng chỉ phải phục vụ một ông, cũng còn hơn phải phục vụ lũ quỷ, nghĩ cũng đỡ hơn.
Nhưng cái ông “chồng” này, trông cũng to cao sáng mặt, chân chất quê mùa, hoá ra được gia đình ông “mua vợ” cho, chủ yếu là mua người làm.
Nhà ông ta làm cây trên núi, khai hoang, trồng cây. Cái việc này, sức vóc đàn ông còn oải, huống hồ là đàn bà chân yếu tay mềm. Thiếu nhân công, lại thiếu phụ nữ, đằng nào cũng phải mua người làm, nhà ông ta mua luôn Yến cho “một công đôi việc”.
May mà, ông “chồng” này bị … yếu, hay giới tính có vấn đề, nên bao năm đêm nằm một giường, mà người quay đầu trên, kẻ quay đầu dưới, chả buồn đụng chạm. Mua cho con trai một cô vợ mà không làm được chuyện ấy, thì phải tận dụng tối đa chuyện khác, mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng.
Yến vì thế mà bị đì quần quật suốt ngày, lên núi làm cây. Trễ nại, mệt mỏi là bị đánh. Leo núi làm cây mưa gió, ướt lạnh, có lần trượt chân ngã, tưởng chết rồi.
Hồi “lấy chồng” có giấy giao kèo hẳn hoi. Nhưng giấy “nó” làm, mình đâu biết chữ mà biết nó viết gì - Yến kể - Nó đưa giấy bắt ký thì mới được “ra trại lấy chồng”, giao kèo là giao kèo trả tiền mua vợ giữa nhà “chồng” với trại thế nào mình đâu biết. Giờ “nhà chồng” bắt làm như tù khổ sai, không làm là đánh u đầu, không cho ăn...
May mắn có nhỏ em làm chung từng trốn về Việt Nam một lần nên biết cách chỉ cho. Yến kể điện thoại thì bị nó thu rồi, lén lấy điện thoại của “chồng” gọi cho nhỏ em. Nó hỏi chị đang ở đâu cũng không biết. Rồi nó mách cách lén chụp giấy tờ tuỳ thân của “chồng” gửi qua mạng cho nó dịch.
Một đường dây tội phạm mua bán người bị xét xử tại TAND tỉnh Tây Ninh.
Hoá ra Yến đang bị “nhốt” ở tận Phúc Kiến, Trung Quốc. Lén liên lạc với nhỏ em, nhờ hướng dẫn cách trốn. Yến theo xe chở cây đi, rồi quá giang xe khách đến chỗ cô em. Cô em dẫn ra Công an, họ chỉ photo giấy tờ mà chẳng làm gì hơn… Quá bế tắc, thất vọng, Yến nhờ cô em rành đường dẫn về Việt Nam.
Chuyện của cô Yến là một bài học cảnh giác với các thủ đoạn của tổ chức buôn người. Tại Tây Ninh, lực lượng Công an trong 6 tháng đầu năm nay đã phá được 4 vụ buôn người như vậy.
Trung tá Đỗ Văn Long, Phó Trưởng phòng phụ trách PC 45 Công an Tây Ninh, cho biết thành công này là nhờ công tác điều tra cơ bản kỹ, thu thập chứng cứ chắc chắn, áp dụng nghiệp vụ, sử dụng đặc tình và vận động được sự phối hợp, giúp đỡ của quần chúng.
Tây Ninh có 5 huyện giáp biên giới với Campuchia có nhiều sòng bài, nhiều loại tệ nạn. Bọn tội phạm thường lợi dùng địa hình và sự phức tạp bên kia biên giới để tổ chức lôi kéo, buôn người.
Do vậy, cũng như cuộc chiến đấu chống ma tuý, việc phòng chống nạn buôn người là một trong những điểm nóng mà Công an Tây Ninh luôn bám sát, chủ động tiến công, tổ chức mặt trận quần chúng rộng rãi, vận động, hướng dẫn phòng ngừa…
Chúng luôn thay đổi phương cách hoạt động để lẩn trốn sự kiểm soát, chẳng hạn không tổ chức cho khách mua vợ tại Việt Nam, mà tổ chức đưa các cô gái ra nước ngoài cho khách coi mắt...
Một số “ông trùm” ở nước ngoài giật dây các hoạt động buôn người, đến Tây Ninh hoạt động, bị “mời làm việc” cứ giả ngây giả ngô. Công an giải thích cứ giả bộ không hiểu tiếng, không chịu nghe.
Chỉ trước những chứng cớ rõ ràng, không thể chối cãi bọn tổ chức tội phạm này mới chịu cúi đầu trước pháp luật. Và chúng mới biết Công an Tây Ninh đã kiên trì đeo bám, thu thập những bằng chứng, xác định tội phạm rõ ràng từ lâu.
Giờ chúng mới hiểu ra rằng buôn người, gây án hình sự ở đất Tây Ninh là điều không thể, chỉ là bị “cất vó” lúc nào mà thôi.
Với các cô gái nhẹ dạ cả tin, điều dễ hiểu đang được các cơ quan đoàn thể hướng dẫn là thử tự nghĩ xem: Không có tay nghề gì, làm sao có thể có lương cao? Làm sao có “tương lai tươi sáng” nếu không tự rèn luyện mình, tự học hỏi, phấn đấu chân chính. Làm được những điều ấy thì hạnh phúc, giàu có ở ngay trên quê hương của mình.