9 tháng, lợi nhuận chỉ đạt 33% mục tiêu năm
Công ty CP Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán: FLC) do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III.2018.
Theo đó công ty đạt doanh thu thuần 2.370 tỉ đồng, tăng gần 9% so với quý III.2017. Lợi nhuận gộp hơn 212 tỉ đồng, giảm gần 31%. Biên lợi nhuận gộp quý vừa qua đạt 8,9%, trong khi cùng kì năm ngoái đạt 14,1%.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, (Ảnh: I.T)
Hoạt động tài chính của FLC diễn biến khả quan khi doanh thu tăng 48% lên 178 tỉ đồng, chi phí tài chính giảm 7,5% còn 57,6 tỉ đồng. Chi phí bán hàng giảm xuống trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên, tuy nhiên tổng hai loại chi phí này trong quý III.2018 không thay đổi nhiều so với cùng kì, cùng vào khoảng 200 tỉ đồng.
Với biến động trong kỳ như trên, sau khi loại trừ các chi phí, FLC của ông Trịnh Văn Quyết báo lãi trước thuế giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức gần 115 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 83,4 tỉ đồng, giảm 4 tỉ đồng so với cùng kì và tương ứng với biên lãi ròng 3,5%. Lãi ròng theo đó giảm 11% về 77 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, FLC của ông Trịnh Văn Quyết đạt 186 tỉ đồng lợi nhuận ròng, giảm 19%; doanh thu thuần gần 7.617 tỉ đồng, tăng 52%. Song với kế hoạch kinh doanh năm 2018 được FLC đặt ra là đạt doanh thu 12.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 560 tỉ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, FLC mới thực hiện 33% kế hoạch lãi ròng và 61% kế hoạch doanh thu.
Cơ cấu doanh thu của FLC. (Ảnh: I.T)
Tổng nguồn vốn của FLC thời điểm 30.9.2018 là hơn 26.271 tỉ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm. Giá trị nợ phải trả là hơn 17.533 tỉ đồng, tăng hơn 3.200 tỉ đồng sau 9 tháng và chiếm 66,7% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu tăng 215 tỉ đồng lên 8.738 tỉ đồng. Trong đó, vốn điều lệ tăng từ 6.380 tỉ đồng lên 7.100 tỉ đồng do tập đoàn hai lần trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 4% và 7%.
Tới cuối quý III.2018, FLC vẫn đang ghi nhận khoản tiền và tương đương tiền gần 1.000 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, các khoản tương đương tiền của Công ty chiếm tới gần 854 tỷ đồng. Khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh của Công ty cũng tăng 18% so đầu năm, ở mức 325,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá trị vay và nợ thuê tài chính dài hạn của FLC tăng thêm 1280 tỉ đồng lên 4.032 tỉ đồng. Một trong số các chủ nợ của FLC là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – CN Tây Sơn với dư nợ hơn 1.570 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có khoản vay bằng USD trị giá 692,25 tỉ đồng từ ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ). Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đây là khoản FLC vay Credit Suisse chi nhánh Singapore ngày 4.6.2018, số tiền vay 30 triệu USD, lãi suất thả nổi tính theo công thức lãi suất Libor + 5%.
Thời gian vay 27 tháng kể từ ngày giải ngân, kỳ thanh toán lãi đầu tiên sau 3 tháng kể từ ngày giải ngân, kỳ thanh toán gốc đầu tiên sau 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Khoản vay được dùng để tài trợ vốn cho các dự án FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn giai đoạn 2, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, FLC Garden City và FLC Twin Towers.
Bamboo Airways chưa hẹn ngày cất cánh
Trong bối cảnh FLC phải đối diện với nguy cơ lỡ hẹn với mục tiêu kinh doanh năm 2018 thì Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cũng lỡ hẹn cất cánh vào ngày 10.10 do chưa được cấp giấy phép kinh doanh hàng không và vận chuyển hàng không nội địa.
Dù ngày 17.8.2018, Bộ Giao thông & Vận tải GTVT đã đề xuất Chính phủ cấp phép bay cho Bamboo Airways. Song theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, do đây là vấn đề rất quan trọng, bao gồm điều kiện cần và đủ, trong đó có bảo đảm an ninh, an toàn và nhiều điều kiện khác. VPCP hiện đã lấy ý kiến các Bộ, ngành và ý kiến đề xuất của Bộ GTVT để báo cáo thường trực Chính phủ tại cuộc họp gần nhất.
Bamboo Airways lỡ hẹn cất cánh vào ngày 10.10 do chưa được cấp giấy phép kinh doanh hàng không và vận chuyển hàng không nội địa
Trước đó, vào tháng 7.2018, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Số vốn dự kiến sẽ rót thêm vào hãng hàng không này là 600 tỷ đồng, để tăng lên 1.300 tỷ đồng.
Quyết định tăng vốn Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết được đưa ra sau khi hãng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định ngày 9.7.2018.
Mục tiêu của dự án là trở thành một trong những hãng hàng không hàng đầu của Việt Nam với định vị là hãng hàng không “hybrid”, lai ghép giữa hai loại hình hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ, nhắm tới nhiều đối tượng khách hàng.
Về phía các chuyên gia kinh tế, dù ủng hộ việc Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết tham gia thị trường là một kịch bản tốt cho sự cạnh tranh, phát triển của ngành hàng không Việt Nam nhưng cũng không khỏi băn khoăn. TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam cho rằng, một hãng mới vào sẽ gặp nhiều thách thức bởi đây là ngành có lợi thế kinh tế nhờ quy mô.
“Điều này có nghĩa khi đã có 2 ông lớn đang án ngữ cổng rồi, các chiến lược cạnh tranh phải tạo ra sức cạnh tranh hoặc tạo ra lợi thế mà chúng ta đang sẵn có mới có thể tạo ra vị thế trong lĩnh vực vô cùng cạnh tranh này”, ông Du bình luận.
Trong khi Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết chưa được cấp phép thì Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang tìm cách thống lĩnh thị trường bằng những bước đi chắc chắn. Rõ ràng, sân chơi hàng không không hề đơn giản, kể từ khâu đầu tiên là giấy phép được cất cánh.