Từ những ý tưởng
Người đầu tiên tôi biết là anh Nguyễn Quang Mạnh, chủ một hiệu ảnh ở thành phố Bắc Giang, xuất hiện trên chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” vì là người sưu tầm nhiều cối đá, bình vôi nhất. Qua trò chuyện, được biết Nguyễn Quang Mạnh có ý tưởng sưu tầm những đồ dùng dân dã làng quê sau lần sơ tán về Tân An, Yên Dũng (Bắc Giang), vào ở một gia đình làm ảnh. Cảnh vật quê hương nơi đây cuốn hút hồn anh.
Anh Nguyễn Quang Mạnh và niềm đam mê cối đá
Năm 1978, khi đến thăm nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ thì niềm đam mê trỗi dậy. Anh chia sẻ: “Tôi thấy trong nhà lưu niệm có rất nhiều đồ vật gắn bó với sinh hoạt trong đời sống người dân của làng quê. Tôi nghĩ khi thời đại phát triển, hẳn những đồ vật giản dị này sẽ bị mai một. Nên nhủ lòng phải làm một cái gì đó và tôi đã quyết tâm sưu tầm”.
Với người hoài cổ, nhìn những món đồ như cối đá, bình vôi, gầu sòng, cối giã gạo… sẽ thấy đồng cảm và gần gũi. Yêu lắm những cảnh làng quê mộc mạc. Từ lũy tre, cánh cò, đụn khói, cây rơm. Những gì gắn bó với người nông dân, anh rất mực trân trọng. Anh Mạnh xắn tay đi khắp nơi săn tìm. Khi có một cái vốn kha khá thì về lập bảo tàng.
Giữa thành phố gấp gáp, xuất hiện một "bảo tàng" về những đồ nhà quê, dùng làm nơi trú ngụ cho những món đồ của một thời quá khứ là một chuyện quá ư lạ lùng. Đồ vật được sắp xếp một cách khoa học. Cối đá, cối xay, bình vôi, chum vại, ngư cụ (những công cụ lao động của ngư dân vạn chài)… mỗi loại ở một ô khác nhau. Đặc biệt là cối đá, có gần một trăm chiếc lớn nhỏ khác nhau đã trở thành những người bạn thân thiết của anh. |
Qua anh Mạnh, tôi biết ông Nguyễn Đắc Nông ở xã Tân Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng sưu tầm và sở hữu hơn 300 chiếc cối đá. Ông Nông nói rằng mình đam mê sưu tầm từ khi còn trẻ, là một anh giáo làng. Ông Nông nói: “Thú thực, lúc đó ý tưởng của tôi chỉ là để bày trong nhà, để sau này con cháu hiểu và quý trọng những đồ vật đơn sơ, gắn bó với cha ông một thuở. Thế là từ đấy, hễ đến thôn xóm nào, tôi lại tìm kiếm đồ vật thân quen”.
Có một điều thật độc đáo. Những tưởng thú sưu tầm cối đá - một thú chơi… khá thô cứng chỉ có ở cánh đàn ông. Nhưng phụ nữ cũng có người “chơi trội”. Không tin, cứ gặp chị Nguyễn Thị Minh Hiếu sinh năm 1977, ở thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc (Nha Trang - Khánh Hòa). Hiện chị sở hữu hơn 1.000 chiếc cối đá lớn nhỏ các loại. Quả là một gia tài đáng nể.
Nhắc lại ký ức, chị Hiếu nói: “Thời ấu thơ, nhà tôi cũng như nhiều nhà khác đều có vài chiếc cối đá để bà, mẹ xay bột làm bánh, làm đậu hũ. Ngày nào tôi cũng nghịch đùa bên chiếc cối đá. Những lần muốn đo chiều cao với các anh trong nhà, tôi toàn đứng lên một chiếc cối, và thế là tôi cao hơn. Cối đá từ đó trở thành hình ảnh thân quen”. Cuộc sống đổi thay, xã hội dùng các loại máy xay thay cho cối đá. Hình ảnh cối đá vẫn ám ảnh tâm trí chị Hiếu. Một ngày kia, ý nghĩ nảy sinh trong đầu chị Hiếu: Sẽ sưu tầm cối đá!
Năm 22 tuổi, Hiếu bắt đầu sưu tầm. Những chiếc cối đầu tiên trong bộ sưu tập của chị là của bà nội. “Năm ấy tôi lập gia đình, bà nội hỏi tôi thích quà gì để tặng. Tôi chỉ xin được tặng những chiếc cối đá đã không còn được sử dụng nữa. Nguyện vọng của tôi được đáp ứng”, Hiếu kể.
Đến triết lý của người chơi
Sau hơn 12 năm sưu tập, chị Hiếu đã khá thông thạo về đặc điểm của từng loại cối. Chị cho biết cối đá có 2 loại, cối có tai và cối không có tai. Cối có tai là những chiếc cối mà người thợ tài hoa đẽo ra được, còn cối không có tai thì làm dễ hơn. Với người sưu tầm như Hiếu, cối đá không đơn giản là vật vô tri vô giác mà còn chứa đựng bao nhiêu triết lý tốt đẹp và tính nhân văn. Mỗi chiếc còn có một cuộc đời, một thân phận riêng.
Cối đá do đàn ông tạo ra nhưng người sử dụng chủ yếu là phụ nữ, biết bao tâm tư được gửi gắm trong vòng xoay ấy. Nếu phụ nữ khéo tay thì vòng quay của cối sẽ tròn và ăn đều. Cối đá có hai thớt, phải ăn khớp với nhau, nếu không công năng của nó sẽ không còn, cũng như trong cuộc sống gia đình vậy, phải thuận vợ thuận chồng mới làm nên chuyện. Thớt dưới là hình ảnh người phụ nữ, tôi nhìn thấy trong cối đá vẻ đẹp của lòng chung thủy, sự chịu đựng của người phụ nữ.
Quả nhiên, cối đá chứa đựng triết lý sâu xa. Và khi tôi gặp một nhà sưu tầm có tên Huỳnh Hữu Lộc, ở xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, điều đó càng được khẳng định rõ. Anh Lộc còn chia sẻ thêm rằng, anh là người hướng nội và những món đồ như cối đá luôn nhắc nhớ anh về công ơn của cha ông đi trước. Chúng ta không thể rũ bỏ quá khứ, quên quá khứ dù đã trở thành ông nọ bà kia. Chính những chiếc cối đá nặng nề đã góp phần tôn bồi văn hóa, là công cụ hữu ích cho đời sống con người.
Phải khẳng định rằng, xưa kia ai đã từng sống ở làng quê Việt Nam thì đều sử dụng đến chiếc cối đá giã gạo, đập lúa, giã giò... Quyết tâm sưu tầm, nên những nhà sưu tầm phải gắng gỏi, chạy đôn đáo nhiều nơi mới có thể xin hoặc mua được những chiếc cối nặng trịch. Đó hẳn là công việc gian nan, bởi có những gia đình không ủng hộ khi các nhà sưu tầm đặt vấn đề. Đơn giản họ không tin, vì cứ nghĩ đó là những người buôn đồ cổ.
Sau khi biết những ý tưởng tốt, các anh chị mới được ủng hộ. Mỗi đam mê và dấn thân đều phải trả giá. Có người trả bằng những tháng năm tuổi trẻ, người khác phải mất thời gian, tiền bạc. Nhưng cối đá có sức hấp dẫn ghê gớm, đã giúp những người chủ của mình được thăng hoa, được ăn cùng đá, ngủ cùng đá, và giờ đây được nghe thấy tiếng thở của mùa màng, văn minh lúa nước mà cha ông bao đời gìn giữ.
Giờ đây những máy nổ, máy xay, bếp điện, bếp ga, máy bơm nó thay thế những vật dụng đơn giản kia. Rồi sẽ có ngày giới trẻ chẳng nhìn thấy cối đá. Tôi càng trân quý việc làm của các nhà sưu tầm. Họ đang giữ cho thế hệ sau, để đừng quên những vật dụng hàng ngày tổ tiên ta dùng và thêm yêu văn hóa dân tộc. |